ASEAN đã được tạo lập trong bối cảnh quốc tế hoàn toàn khác. Trong khu vực khi đó khá nhiều bạo lực và ít có đảm bảo an ninh. Dữ dội nhất là chiến tranh Việt Nam, đã lan sang Lào và Campuchia. Tại Indonesia, "dòng sông máu" tuôn chảy trong cuộc đàn áp âm mưu đảo chính mùa thu năm 1965. Du kích quân theo tư tưởng Mao Trạch Đông, lăm lăm súng trong tay, len lỏi qua những cánh rừng rậm của Malaysia và Thái Lan. Trong tất cả những tai họa đó, giới cầm quyền Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore cáo buộc các cường quốc. Quả thực, một số những cường quốc ấy đã cố gắng phổ biến thực thi ý tưởng CNCS trong khu vực, trong khi một số khác đi theo chính sách chủ nghĩa thực dân mới.
Hoa Kỳ muốn ASEAN thành một đồng minh của họ trong Chiến tranh Lạnh. Phó Tổng thống Mỹ Hubert Humphrey tuyên bố vào năm 1967: "Sự hình thành ASEAN là rất quan trọng để tạo ra rào cản chống lại sự lây lan CNCS ở Đông Nam Á, và Hoa Kỳ ủng hộ ASEAN…, sự hợp tác giữa các thành viên cần góp phần tăng cường nền quốc phòng của khu vực"
Matxcơva và Bắc Kinh tiếp nhận thông tin như vậy một cách cảnh giác, nhiều nhà báo và chính trị gia khi đó nghi ngờ rằng đằng sau ASEAN che giấu một khối liên minh mới.
Trong 50 năm qua đã có vô số biến đổi trên thế giới và trong Hiệp hội. Đã kết thúc cuộc đối đầu chính trị và ý thức giữa hai hệ thống. ASEAN đã mở rộng, trong đó nhờ việc kết nạp các quốc gia mà quyền lực nằm trong tay những nhân vật thừa kế chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với tất cả các cường quốc lớn — Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản. ASEAN đã trở thành một trung tâm của tiến trình hội nhập khu vực, một trong những tổ chức đa phương có ảnh hưởng nhất. Các diễn đàn như ARF, EAC, ADMM+ tập trung nỗ lực của các chính trị gia ASEAN đã trở thành những công cụ quốc tế quan trọng.
ASEAN cho thấy những chỉ số kinh tế đầy ấn tượng: Nền kinh tế của các quốc gia thành viên Hiệp hội gồm 2.400 nghìn tỷ USD, và đang phát triển với nhịp độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Phần lớn đó là kết quả của tuyến hội nhập kinh tế mà các nước thành viên ASEAN tiến hành ngay từ buổi đầu tạo lập Hiệp hội, và đến hôm nay dẫn tới sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, như đã được long trọng công bố vào cuối năm 2015.
Nhiều việc đã được thực hiện trên con đường hình thành Cộng đồng ASEAN trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục, mặc dù sẽ ngây thơ nếu mong đợi sự khai sinh một nền văn hóa thống nhất của ASEAN. Không chỉ mỗi nước trong 10 quốc gia, mà mỗi nhóm dân tộc lớn hay nhỏ sống trong nước đó, xét theo mọi điều, đều có thái độ e dè trong cố gắng gìn giữ bản sắc riêng của mình.
Điều phức tạp nhất trong hình thành Cộng đồng ASEAN là lĩnh vực an ninh, nếu như theo nghĩa vươn tới tạo lập quân đội, cảnh sát và lực lượng an ninh chung. Dù sao chăng nữa, các nước thành viên vẫn thường xuyên tiếp xúc theo nội dung đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và lưu thông ma túy. Và điều giá trị nhất là các nước ASEAN khá đồng thuận trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề an ninh ở Biển Đông. Bằng chứng là sự kiện gần đây đã thông qua tài liệu về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tất nhiên, lập trường của ASEAN sẽ gia tăng nhiều lần nếu như Malaysia và Singapore, Indonesia và Việt Nam không tham dự vào tranh chấp các hòn đảo. Và mọi sự sẽ tốt đẹp hơn nếu như Tổng thống Philippines R. Duterte phối hợp những tuyên bố ồn ào của ông với các đối tác khác trong Hiệp hội.
Sức mạnh kinh tế và nhân khẩu học (600 triệu con người) của ASEAN lớn hơn sức mạnh quân sự của tổ chức. Nhưng các cường quốc khác nhau trên hành tinh đều phải tính đến Hiệp hội này, ASEAN được tôn trọng trên toàn thế giới. Và từ lịch sử 50 năm tồn tại của ASEAN cho phép rút ra kết luận quan trọng: kết quả phát triển kinh tế và ổn định hôm nay là bảo lãnh an ninh đáng tin cậy hơn so với tất cả những máy bay và hàng không mẫu hạm.