Bộ trưởng của Việt Nam còn thiếu sót gì?

© Sputnik / Mikhail TsyganovASEAN
ASEAN - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hôm nay vừa tròn 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

So với lịch sử từng nước thành viên thì quãng thời gian này chỉ như cái chớp mắt. Song với tư cách một Hiệp hội, đây là chặng đường dài từ khu vực xung đột, chiến tranh, nơi đụng đầu giữa "hai phe" và các nước lớn, nay đã trở thành 10 quốc gia dưới mái nhà chung, cùng nhau hướng đến "một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia".

Kể từ sau Đổi mới 1986, ASEAN là bậc thang đầu tiên trong hội nhập với thế giới của Việt Nam. Nhiều thế hệ chính khách ngoại giao Việt Nam đã gắn bó và trưởng thành từ các công việc với Hiệp hội này.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại, tháng 7/1994, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN hàng năm họp ở Bangkok, ông đại diện Việt Nam tham dự với tư cách quan sát viên. Các nước yêu cầu cho biết Việt Nam đã đủ điều kiện gia nhập Hiệp hội hay chưa? Ông Cầm nói nhanh: "Đã sẵn sàng". Cả hội nghị vỗ tay hoan nghênh.

Đột nhiên bộ trưởng Malaysia đứng dậy nói:

"Cầm ơi! Điều kiện của Việt Nam thì đủ rồi, nhưng còn hai điều kiện nữa dành cho ông với tư cách Bộ trưởng ngoại giao".

Ông Cầm hơi ngỡ ngàng hỏi lại:

"Đó là gì?". Bộ trưởng Malaysia nói ngay: "Thứ nhất, ông hãy tạm gác tiếng Pháp và tiếng Nga lại, tăng cường nói tiếng Anh vì trong ASEAN chỉ dùng tiếng Anh. Thứ hai, ông phải đánh golf, vì đối với ASEAN, golf không chỉ là môn thể thao mà còn là phương tiện giải quyết công việc".

Tự tin vào vốn liếng tiếng Anh tự học của mình, ông Cầm trả lời nửa đùa nửa thật:

"Tiếng Anh thì tôi cố gắng, nhưng đánh golf khó quá, có lẽ còn khó hơn điều kiện gia nhập ASEAN". Ngoại trưởng Indonesia lên tiếng: "Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để ông sớm biết chơi golf".

Quả thật, cuộc họp hôm đó đã kết thúc với những trao đổi quan trọng ở sân golf. Cảm giác lần đầu tiên cầm gậy golf, dạo bước và trò chuyện với những người đồng cấp giữa một không gian thoáng đãng và xanh mát, là một kỷ niệm khó quên với nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

"Đó là những năm tháng mà chúng tôi đã học đánh golf và điều quan trọng hơn hết là học cách mở cửa, hội nhập, không phải để chiến thắng mà cùng thắng", ông Cầm chia sẻ.

Trong câu chuyện ấy, golf không chỉ là một môn chơi. Nó là một ẩn dụ cho những thứ mà với chúng ta là xa lạ, nhưng với khu vực, và thế giới phẳng, lại là bình thường. Nền ngoại giao của chúng ta trước đó chủ yếu bó hẹp trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Bước ra biển lớn, có rất nhiều điều xa lạ bắt đầu phải học.

Một trong những bài học đầu tiên, ông Cầm chia sẻ với tôi, là bối cảnh thế giới khiến cho cơ hội và thách thức đan xen nhằng nhịt. Đã nhiều lúc các nước ASEAN dường như buộc phải lựa chọn bên này hay bên kia, nhất là trong quan hệ hợp tác với các nước lớn, vì lợi ích của riêng mình.

Có những bài học không thể rút ra được ngay. Những người của thế hệ ông Cầm, như bà Nguyễn Thị Bình, cũng từng nói về điều này. "Không phải là không có những lúc chúng ta nhầm lẫn đánh đồng tinh thần đoàn kết quốc tế với lợi ích quốc gia" — bà Bình kể. Thông điệp bà rút ra, là trong quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta không xâm phạm lợi ích quốc gia của nước khác, nhưng phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cơ bản và chính đáng của mình.

"Trong ngoại giao, lợi ích dân tộc là cao nhất, là biển chỉ đường. Điều này không mâu thuẫn mà trái lại biện chứng với việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích của mỗi quốc gia với lợi ích chung của cả khu vực cũng như quốc tế", ông nói và nhắc tôi nhớ đến hình ảnh bó lúa 10 nhánh, biểu trưng của ASEAN.

Câu nói của ông làm tôi nhớ đến trụ sở Ban thư ký ASEAN nằm ở trung tâm Thủ đô Jakarta, Indonesia.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào tòa nhà này, là hình ảnh bó lúa vàng 10 nhánh rực rỡ, biểu trưng của ASEAN, cùng với quốc kỳ của các nước thành viên và bao quanh là cờ quốc gia đối tác như Trung Quốc, Mỹ…

Mỗi bó lúa khi chín vàng sẽ trĩu xuống, những đợt gió mạnh từ bên ngoài có thể làm cây lúa gãy đổ, nhưng tựa vào nhau, các bông lúa sẽ đứng thẳng và mang lại no ấm cho những người vun trồng nó.

Cho đến giờ, khi các nhà ngoại giao nhiều người đã nói được tiếng Anh và chơi được golf, chắc chắn vẫn còn nhiều thứ chúng ta vẫn đang phải học — trong quan hệ với những người láng giềng gần gũi nhất.

 

Nguồn: vnexpress.net /Võ Văn Thành

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала