Một câu hỏi lớn khiến giới phân tích và dư luận rất quan tâm là do đâu Quốc hội Mỹ lại đưa cả nội dung cấm vận Triều Tiên và Iran gộp chung vào trong Đạo luật H.R.3364 nhằm "chống lại sự xâm lược của Nga, Triều Tiên và Iran" nhưng mục tiêu chủ yếu và quan trọng nhất lại là nhằm chống phá Nga.
Nhận định về Đạo luật H.R.3364, Thủ tướng Nga D.Medvedev đánh giá, nội dung đạo luật cấm vận mới này nhằm vào Nga khắc nghiệt hơn rất nhiều so với Đạo luật Jackson-Vanik chống Liên Xô cách đây 40 năm về trước trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Thật vậy, Đạo luật Jackson-Vanik được Quốc hội Mỹ đưa ra năm 1974 với nội dung chủ yếu chỉ là cấm áp dụng quy chế tối huệ quốc trong buôn bán với các nền kinh tế phi thị trường (các nước xã hội chủ nghĩa), không cho phép những quốc gia này tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, đồng thời hạn chế quyền nhập cư. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga nhiều lên lên tiếng rằng Đạo luật Jackson-Vanik đã lỗi thời và cản trở nỗ lực của Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mãi tới năm 2012, theo chủ trương "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Nga, Washington mới dỡ bỏ Luật Jackson-Vanik đối với Nga.
Theo Thủ tướng Nga D.Medvedev, trong tương lai, nếu không xẩy ra một điều kỳ diệu nào đó trong thì Đạo luật H.R.3364 sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian chí ít cũng tương đương Đạo luật Jackson-Vanik, không phụ thuộc vào chuyện ai sẽ là tổng thống Mỹ, hay thành phần Quốc hội Mỹ sẽ thế nào. Vậy, nội dung cấm vận Triều Tiên trong Đạo luật H.R.3364 có liên quan gì tới chuyện cấm vận Nga?
Trước hết, cần nhận thấy rằng từ năm 2006, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã 7 lần thông qua nghị quyết cấm vận Triều Tiên và lần gần đây nhất là ngày 2/6/2017 Hội đồng nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết số 2356 trừng phạt Triều Tiên. Nghiên cứu nội dung các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cấm vận Triều Tiên, có thể thấy mức độ gắt gao và nghiệt ngã của các biện pháp đó đã đạt tới mức giới hạn.
Còn đối với Nga, trong điều kiện tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chủ trương cải thiện quan hệ với Nga và bước đầu hai bên đã hợp tác nhau trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria thì Washington không có lý do nặng ký nào để thuyết phục các nghị sỹ bỏ phiếu thông qua gói cấm vận Nga vào thời điểm này. Riêng về lý do "Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ", hiện tại Washington vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ví chuyện cáo buộc Nga "can thiệp" cũng tương tự như chuyện Mỹ cáo buộc "Iraq sở hữu vũ khí hóa học" để phát động chiến tranh nhằm vào quốc gia này.
Do đó, để có thể thông qua một đạo luật cấm vận có tính lịch sử như Đạo luật H.R.3364 chống phá Nga, Washington đã phải "trông cậy" vào yếu tố Triều Tiên và Iran. Để hiểu rõ được chiến thuật này, cần nhận thấy trong văn hóa chính trị của Mỹ có một hiện tượng bất thành văn là sự đồng thuận của các nghị sỹ quốc hội thông qua một nghị quyết quan trọng nào đó thường chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố rất quan trọng là tác động từ một sự kiện "động trời" nào đó thật sự diễn ra hoặc có thể được "dàn dựng y như thật".
Có vô số thí dụ về chiến thuật này mà cả thế giới đều biết. Thí dụ, để phát động cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc Việt Nam và ồ ạt đưa quân vào Miền Nam Việt Nam, năm 1964 Mỹ dựng lên sự kiện động trời "Việt Nam tấn công tàu chiến của hải quân Mỹ ở vịnh Bắc Bộ". Hoặc để tấn công Iraq trong năm 2003, Mỹ đã dàn dựng lên câu chuyện hoang đường "Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hóa học".
Đặc biệt, để thực hiện Chiến lược Đại Trung Đông, Mỹ cần có tác động từ một sự kiện "kinh thiên động địa" tương tự như vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng năm 1941 để lấy cớ đó yêu cầu Quốc hội Mỹ cho phép Washington nhảy vào tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Để thực hiện Chiến lược Đại Trung Đông, Mỹ cũng cần có một sự kiện "kinh thiên động địa" như vụ Trân Châu cảng. Đó chính là vụ "tấn công khủng bố" nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2011. Chỉ một ngày sau vụ khủng bố này, chưa cần biết ai là kẻ chủ mưu và thực thi, Tổng thống Mỹ G.Bush đã tuyên bố phát động "cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố".
Tác động của yếu tố Triều Tiên trong quá trình thông qua Đạo luật H.R.3364 cũng tương tự. Mượn cớ Triều Tiên thử tên lửa đường đạn và đưa ra tuyên bố đe dọa Mỹ, Washington sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ thổi bùng "nguy cơ từ phía Triều Tiên" với lời cảnh báo chính quyền Bình Nhưỡng đang sẵn sàng sử dụng tên lửa đường đạn xuyên lục mang đầu đạn hạt nhân để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ" và coi Triều Tiên là "kẻ thù số 1 của nước Mỹ"!
Trên thực tế, việc "Triều Tiên thử thành công tên lửa đường đạn xuyên lục địa" chỉ là do bộ máy truyền thông của Mỹ tô vẽ nên. Các chuyên quân sự Nga thông qua mạng lưới trinh sát chiến lược ở Viễn Đông đã khẳng định rằng Triều Tiên chỉ mới thử nghiệm tên lửa đường đạn tầm trung. Còn khả năng Triều Tiên thử tên lửa đường đạn xuyên lục địa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân lại còn là triển vọng xa vời.
Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra những lời tuyên bố đại loại như "sẵn sàng tấn công hủy diệt nước Mỹ" chỉ là để răn đe, còn trên thực tế Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân chỉ nhằm mục đích tự vệ trong trường hợp bị tấn công xâm lược từ bên ngoài. Ngay cả khi đã làm chủ và thử nghiệm thành công tên lửa đường đạn xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên cũng sẽ không bao giờ chủ động tấn công Mỹ bởi hành động đó đồng nghĩa với tự sát. Chính quyền Bình Nhưỡng quá hiểu điều đó.
Để trừng phạt Triều Tiên, năm 2016 Quốc hội Mỹ đã thông qua "Đạo luật tăng cường cấm vận và thực hiện chính sách đối với Triều Tiên" đã từng luật hóa các biện pháp cấm vận toàn diện đối với Triều Tiên. Nghị quyền số 2270 và 2321 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 2016 cũng đã áp đặt các biện pháp nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Triều Tiên.
Trong Đạo luật H.R.3364 lần này, nội dung cấm vận Triều Tiên chỉ là tổng hợp và luật hóa tất cả các biện pháp cấm vận trước đó của Mỹ cũng như của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để tạo ra ấn tượng có tính thuyết phục các nghị sỹ của cả hai Viện của Quốc hội Mỹ.
Còn yếu tố Iran, trong thời điểm hiện nay Teheran đang thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1 và đã được quốc tế công nhận, thì Washington không có bất cứ lý do gì để áp đặt các biện cấm vận mới. Bởi thế, trong dự thảo Đạo luật H.R.3364, Washington lại một lần nữa coi Iran là quốc gia thuộc "liên minh tội ác", "tài trợ khủng bố", "phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa" và "vi phạm nhân quyền".
Riêng đối với Nga, Đạo luật H.R.3364 là bản dài "kể tội" Nga với bảng liệt kê danh mục hàng loạt "tội" cần phải "trừng phạt". Ngoài chuyện Nga sáp nhập Crimea còn có chuyện Nga chiếm đóng ở hai vùng tự trị Nam Osetia và Apkhazia (trên thực tế là Nga hiện diện quân sự ở đó sau cuộc chiến tranh xâm lược của Gruzia vào hai vùng tự trị này trong tháng 8/2008); Nga không thực hiện trách nhiệm đối với Thỏa thuận Minsk-2 (trên thực tế trách nhiệm này thuộc về Chính quyền Ukraine và lực lượng dân quân Miền Đông Ukraine); Nga phát huy ảnh hưởng ngày càng lớn ở châu Âu và trên lục địa Á-Âu (trên thực tế là điều hiển nhiên đối với bất cứ quốc nào); Nga giúp đỡ và viện trợ cho các chủ thể không tin vào các giá trị dân chủ của Mỹ (điều này cũng hết sức mơ hồ, trong khi đó Mỹ đã từng lật đổ chính thế hàng loạt quốc gia trên thế giới, trong đó chính Tổng thống Mỹ Barack Obama công nhận Mỹ đã có công thay đổi thế chế chính trị ở Ukraine); Nga vi phạm Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung ở châu Âu (trên thực tế chính Mỹ là bên vi phạm Hiệp định này khi họ bố trí tên lửa đánh chặn ở các nước Đông và Nam Âu); Nga hạn chế hoạt động của các phương tiện truyền thông độc lập v.v
Như vậy, "nguy cơ nước Mỹ bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đường đạn xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân", "nguy cơ chủ nghĩa khủng bố từ trục tội ác Iran" cộng với danh mục dài dằng dặc "tội ác" của Nga đã có tác động tổng hợp rất hiệu nghiệm: tuyệt đại đa số các nghị sỹ quốc hội Mỹ ở cả Hạ viện và Thượng viện nhất trí thông qua. Nếu như một dự luật riêng rẽ cấm vận Nga, có rất nhiều khả năng sẽ không giành được sử ủng hộ cao như thế. Đây là một trong những biểu hiện điển hình của văn hóa chính trị Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga.
Nguồn: viettimes