Dù cho hiện nay nước Mỹ đang dần mất vị thế nhưng phái diều hâu đang lấy lại quyền lực trong chính phủ và sẽ làm bất kỳ điều gì để ngăn chặn xu hướng này.
Nhìn lại quá khứ, cũng như luận điệu của phái diều hâu Mỹ, dường như giải pháp duy nhất của phái này là gây chiến tranh. Do đó những câu hỏi nóng nhất hiện nay là "Cuộc tấn công tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu?" Phải chăng sẽ là ở Triều Tiên, Syria, Iran, Venezuela, Ukraine, Nga hay Trung Quốc?
Cho dù phái diều hâu ở Mỹ đang có vẻ hết sức hung hăng, có thể sẽ tấn công cả hai đối thủ mạnh nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc, nhưng giả sử họ tư duy hợp lý một chút thì câu hỏi sẽ là lãnh đạo Mỹ có khả năng sẽ tấn công vào nơi nào nhiều nhất?
"Chiến tranh giá rẻ" kiểu Mỹ
Chắc chắn phái diều hâu Mỹ sẽ tìm một nước nhỏ và yếu, lật đổ chế độ hiện có, cáo buộc vi phạm nhân quyền, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây ra các cuộc bạo loạn và can thiệp quân sự để bảo vệ nền dân chủ, tự do và tự quyết. Đó là công thức thay đổi chế độ bằng biện pháp chính trị duy nhất của Mỹ. Còn biện pháp quân sự sẽ được tiến hành như thế nào?
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, phần lớn các kết hoạch, mua sắm vũ khí, các học thuyết cùng các chương trình huấn luyện của Mỹ đều tập trung vào một cuộc chiến lớn thông thường chống lại Liên Xô. Và dễ hiểu là cuộc chiến thông thường này có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Chưa nói đến khía cạnh hạt nhân thì cuộc chiến này cũng đã hết sức nghiêm trọng. Cuộc chiến với trọng tâm là các đơn vị lớn, sử dụng nhiều xe thiết giáp và pháo binh, đòi hỏi hỗ trợ hậu cần hết sức chu đáo, và do đó hai bên sẽ tìm cách phá hoại cơ sở hạ tầng của nhau để cản trở hoạt động hậu cần tiếp tế. Chiến trường chắc chắn cũng sẽ kéo dài hàng trăm km.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa này cũng biến mất nhanh chóng. Dĩ nhiên chiến tranh Vùng Vịnh cũng là cơ hội để quân đội Mỹ và NATO thể hiện khả năng chiến đấu cho dù trước một kẻ địch không tương xứng. Nhưng ngay sau đó, các nhà chiến lược Mỹ nhận ra rằng một cuộc chiến nặng nề và tốn kém đã chấm dứt và các lữ đoàn thiết giáp có thể không còn là công cụ chiến đấu hữu dụng nhất của Mỹ nữa.
Đó là lúc Mỹ phát triển một hình thái chiến tranh kiểu mới, với tên gọi "chiến tranh giá rẻ". Hình thức hoạt động của mô hình này như sau: Đầu tiên, CIA sẽ tài trợ, trang bị vũ khí và huấn luyện các cuộc nổi dậy ở địa phương, sau đó đưa lực lượng đặc nhiệm của Mỹ chiến đấu cùng với quân bạo động địa phương và trang bị cho lực lượng này các hệ thống phòng không để tấn công kẻ thù. Cuối cùng là triển khai máy bay trong vùng chiến sự đủ để hỗ trợ chiến đấu cả ngày và đêm.
Tóm lại, mấu chốt là cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở địa phương lợi thế vượt trội về hỏa lực. Và đó là cách để Mỹ chiến thắng kẻ thù vượt trội về vũ khí.
Ngoài ra Mỹ có thể cung cấp cho lực lượng nổi dậy các thiết bị vũ khí tốt hơn (như vũ khí chống tăng, thiết bị liên lạc, thiết bị nhìn vào ban đêm) và đưa một số binh lính của Mỹ hoặc đồng minh, kể cả lính đánh thuê để giải quyết những mục tiêu khó nhằn.
Trong khi nhiều người vẫn còn nghi ngờ về biện pháp này thì cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến phương pháp này được nhiều chính trị gia Mỹ đón nhận. Ưu điểm vượt trội nhất là chiến tranh kiểu này giúp Mỹ giảm đáng kể con số thương vong và có thể tránh được thương vong khi có sự cố.
Tuy nhiên phương pháp này dựa trên ba giả định khá sai lầm. Trước tiên những người ủng hộ cho rằng dù Mỹ triển khai ít quân số, nhưng nếu cần thiết, lãnh đạo quân đội sẵn sàng đưa một lượng quân lớn đến chiến trường. Thứ hai, Mỹ cho rằng mình có ưu thế vượt trội trên không. Nhưng Mỹ chắc chắn không muốn hỗ trợ không lực ở khoảng cách gần, nơi họ có thể bị tấn công bởi máy bay hoặc tên lửa của kẻ thù. Thứ ba, để thực thi biện pháp này cần có lực lượng nổi loạn tại địa phương để chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ.
Với những giả định trên thì không phải tất cả mọi trường hợp Mỹ đều có thể áp dụng lối chiến tranh này. Hãy cùng xem xét các ví dụ sau đây để đánh giá về phương pháp tác chiến này của Mỹ.
Hezbollah, Li-băng năm 2006
Cuộc chiến này vốn không liên quan tới Mỹ nhưng lại liên quan tới Israel, nước được coi là đồng minh của Mỹ. Thực tế Hezbollah không là gì với Mỹ, nhưng những vũ khí chống tăng mà Nga cung cấp cho Hezbollah lại có thể tấn công và tiêu diệt phần lớn xe tăng của Israel. Lần đầu tiên ở Trung Đông, một đội quân nhỏ lại không sợ hãi khi đối đầu với Tshahal (quân đội Israel) bất khả chiến bại.
Đó là chiến thắng vô cùng to lớn vào năm 2006, và giờ đây nó đang lặp lại ở Syria, Afghanistan, Yemen, Iraq và các nơi khác. Nỗi sợ siêu cường duy nhất đã biến mất, thay vào đó là khao khát cháy bỏng muốn chống lại hệ thống Anh, Mỹ và lực lượng chiếm đóng.
Hezbollah cũng chứng tỏ một điều hết sức quan trọng: đó là chiến lược chiến thắng khi phải đối mặt với một kẻ địch mạnh hơn là không phải cố để bảo vệ bản thân khỏi các cuộc tấn công mà là không được cho kẻ thù tấn công vào mục tiêu tiềm năng. Nói cách khác, đừng cố thách thức sự vượt trội của kẻ thù mà hãy khiến nó chẳng còn tác dụng gì.
Một trong những vũ khí đáng gờm nhất của Mỹ không phải là bom nguyên tử hay tàu sân bay mà chính là cỗ máy tuyên truyền trong nhiều thập kỷ đã khiến cả thế giới tin rằng Mỹ là bất khả chiến bại vì nước này có những vũ khí mạnh nhất, có binh lính tinh nhuệ nhất, chiến thuật hiện đại nhất,… Nhưng hóa ra tất cả sẽ trở thành vô nghĩa. Lần cuối Mỹ chiến thắng trước một đối thủ có khả năng là khi nào? Từ hồi Thế chiến II chăng?
Ví dụ khác là cuộc chiến Kosovo năm 1998-1999 kéo dài 78 ngày đã huy động toàn bộ không lực của NATO, rốt cuộc cũng chẳng đem lại điều gì. Tuy nhiên nó lại chứng tỏ rằng chiến lược chống tiếp cận mục tiêu là khả thi khi chống lại kẻ thù với khả năng trinh sát và tình báo tối tân.
Chiến dịch của Nga ở Syria năm 2015
Nga đã cử một đạo quân rất nhỏ tới Syria và đạo quân này không tiêu diệt được nhiều IS tới mức thay đổi bối cảnh cuộc chiến. Kể cả khi Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24, Nga cũng chỉ triển khai đủ số lượng máy bay chiến đấu và phòng không để tránh một cuộc tấn công tương tự từ quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, thế cũng đã đủ để Mỹ không thể triển khai hình thức "chiến tranh giá rẻ" của mình ở Syria. Nếu Mỹ tấn công Nga, Mỹ sẽ phải trả giá cả về quân sự lẫn chính trị. Nhưng thực tế, Nga với 33 máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ S-300, S-400 và S-1 Pantsir không thể thắng được CENTCOM và NATO kết hợp lại.
Do đó, vấn đề đối với Mỹ nghiêng về mặt chính trị của việc thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Điều này sẽ không chỉ gây leo thang mà còn đòi hỏi nỗ lực lớn để chống lại các hệ thống phòng không của Syria, và đó là điều Mỹ hiện nay không muốn thực hiện, đặc biệt khi vẫn chưa rõ làm như vậy sẽ mang lại điều gì.
Do đó dù Mỹ có tấn công một số nơi, nhưng về cơ bản đều vô dụng. Thậm chí hiện nay Nga còn trang bị vũ khí mạnh hơn cho Syria và hỗ trợ không lực ở phạm vi gần trong những khu vực trọng điểm. Nga cũng đã triển khai các hệ thống pháo binh hạng nặng gồm các bệ phóng nhiều tên lửa, giúp quân đội chính phủ giành được ưu thế trên mặt đất.
Rõ ràng hiện nay chính Nga mới là bên thực hiện mô hình "chiến tranh tiết kiệm" trong khi khiến Mỹ và đồng minh không thể áp dụng biện pháp này.
Mỹ mất chỗ dựa
Điểm yếu chính của lực lượng phiến quân Quân đội Syria tự do (FSA) là nó không thực sự tồn tại, ít nhất là không phải trên mặt đất. Rõ ràng có nhiều đơn vị FSA lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng có nhiều nhóm dạng IS hay Al Qaeda cố gắng để mang vỏ bọc của FSA. Nhưng thực tế rất khó để xác định đâu là FSA còn đâu là khủng bố.
FSA thực sự có thể là một lực lượng hữu ích và là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Syria. Nhưng FSA lại không có lực lượng ổn định trên chiến trường. Trong khi đó các bên khác đều có: IS, Al Qaeda, người Kurd, Syria, Iran, Hezbollah.
Kể từ khi Takfiris chính thức trở thành kẻ thù của Mỹ, Mỹ chỉ còn đồng minh là lực lượng Wahabi cuồng tín. Thổ cũng đã không còn quá thân thiết với Mỹ, nhất là sau sự kiện đảo chính tại nước này do Mỹ hậu thuẫn. Người Kurd lại quá hăng hái chiến đấu và thù địch với Thổ. Tóm lại, Mỹ không có lực lượng chiến đấu ủy thác trên chiến trường Syria để triển khai lính đặc nhiệm tới hỗ trợ nữa.
Sự kiện minh hoạ rõ nhất cho thực tế này là Mỹ đã thất thủ ở khu vực al-Tanf gần biên giới Jordan.
Cuộc chiến ở Afghanistan từ năm 2001-2017
Afghanistan thường được gọi là "nghĩa địa của các đế quốc". Không rõ liệu Afghanistan có trở thành nghĩa trang của Đế chế Anh- Mỹ hay không nhưng chắc chắn nó sẽ là nghĩa trang của mô hình chiến tranh giá rẻ của Mỹ. Đây cũng là nơi đầu tiên mô hình này được áp dụng và được coi là một thành công lớn cho Mỹ.
Năm 2001, Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện các cuộc tấn công B-52 để nhanh chóng đánh bại quân đội chính phủ Afghanistan. 16 năm sau, Afghanistan giờ đây đã thay đổi đáng kể và thương vong phần lớn thuộc về các vũ khí thông minh. Các giải pháp chính trị ở đây đều đã thất bại, dù là chiến thắng hay dù là Mỹ rút quân thì cũng là điều không thể.
Giờ đây Mỹ lại cáo buộc Nga trang bị vũ khí cho Taliban, đây là minh họa rõ ràng cho thấy Mỹ đã tuyệt vọng đến mức nào ở đầm lầy trên. Đến thời điểm này, rõ ràng Mỹ nên rút quân nhưng lại không đủ sẵn sàng thừa nhận rằng siêu cường số 1 đã không giành được chiến thắng.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ rất đơn giản: Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, và cuộc chiến hậu Chiến tranh lạnh cũng vậy, và cuộc cải cách toàn diện của quân đội Mỹ diễn ra quá chậm. Giờ đây quân đội Mỹ là hậu quả thảm hại của Chiến tranh lạnh, "chiến tranh giá rẻ" và của những vụ can thiệp quân sự thất bại.
Trên lý thuyết, Mỹ nên bắt đầu bằng cách hoạch định lại chiến lược an ninh quốc gia và phát triển chiến lược quân sự hỗ trợ cho chiến lược an ninh quốc gia. Để làm được điều này cần có một học thuyết quân sự cùng một kế hoạch hiện đại hóa quân đội toàn diện, từ huấn luyện đến lên kế hoạch và triển khai.
Nga mất cả thập kỷ để làm điều này, và Mỹ có lẽ cùng phải mất quãng thời gian dài tương tự. Tuy nhiên quyết định để thực hiện cuộc cải cách này thì có lẽ còn lâu mới đạt được. Trong thời gian này Mỹ sẽ chỉ tuyên truyền đổ lỗi và phủ nhận trật tự hiện nay.
Theo UNZ, có lẽ Mỹ cũng giống như Nga, cần một cú sốc thảm khốc (ở Chechnya) để tự soi lại bản thân và hành động. Nhưng cho đến lúc đó, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục áp đặt sự thống trị lên các nước yếu hơn, cho dù khả năng này cũng đang suy giảm.
Tóm lại, kỷ nguyên chiến tranh tiết kiệm đã kết thúc, và thế giới hiện nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Mỹ sẽ phải học cách thích nghi với thực tại, nhất là nếu nước này muốn duy trì uy tín. Washington sẽ phải chấm dứt các cuộc can thiệp quân sự lớn ở bên ngoài.
Nguồn: viettimes