Không thể cho tồn tại
"Vì lý do gì mà trong thời gian dài, cả công trình lớn trên đất quy hoạch nông nghiệp nhiều người dân đều biết nhưng chính quyền xã vẫn "không tiện" kiểm tra, xử lý. Khi báo chí tiếp cận thông tin, UBND xã Xuân Thạnh mới cho biết đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để xử lý vụ việc. Dân thường sai là bị xử nghiêm. Vậy mà gia đình "quan" xây biệt thự trái phép lại cho tồn tại thì quả là khó hiểu. Nhất là cái lý do khó khăn về nhà ở nghe sao chướng tai quá!"- bạn đọc Nguyễn Minh Anh nêu ý kiến.
Còn bạn đọc Trịnh Xuân Mai đặt vấn đề:
"Nếu là dân cũng làm đơn thì không biết có được tồn tại hay chỉ mới đổ 1 xe gạch đá đã bị hỏi thăm, xây cái chuồng vịt đã bị cưỡng chế? Đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai phải xử lý công bằng, không thể cán bộ tỉnh thì cho phép tồn tại nhà xây dựng trái phép còn người dân thì bắt phải giải tỏa trả lại mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Đấu sai rành rành mà chính quyền xử lý kiểu này, làm sao dân tâm phục khẩu phục, tin tưởng vào sự công tâm của chính quyền địa phương".
"Mọi người bình đẳng trước pháp luật, các hành vi vi phạm đều phải được xử ý nghiêm", bạn đọc Hà bức xúc: "Dạ thưa ông bí thư, xử nghiêm kiểu gì mà nhà xây trái phép chỉ bị xử phạt rồi cho tồn tại, lại được phép chuyển đổi quyền sở hữu? Làm vậy khác nào khuyến khích người khác bắt chước làm bậy?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Đạt đề nghị:
"Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai đã khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mong là lời nói đi đôi với việc làm, cưỡng chế tháo gỡ toàn bộ nhà xây dựng trái phép của gia đình ông Đấu trên đất nông nghiệp trả lại hiện trạng ban đầu, kèm theo phạt vi phạm, kỷ luật để làm gương. Có như thế người dân mới thấy được sự bình đẳng của mọi người, dù là cán bộ hay người dân đều phải tuân thủ đúng quy định của luật pháp".
Kiểm soát thu nhập của cán bộ
Liên quan đến tình trạng "quan" xây nhà trái phép tại huyện Thống Nhất mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh, còn có công trình biệt thự và đất của gia đình ông Trần Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (em ruột ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất), cũng đã được làm thủ tục chuyển nhượng cho một người khác, nhiều ý kiến đặt vấn đề: người làm công ăn lương, có được miếng đất 40m2 để cất nhà ở là một việc không dễ, có khi "cày" cả đời cũng không có. Vậy mà, nhiều "công bộc" của dân đất và nhà "cứ thẳng cánh cò bay", hết biệt phủ này đến biệt thự nọ thì giải thích sao cho dân nghe? "Ai công cũng than lương chức ba cọc ba đồng nhưng vẫn cứ ùn ùn vào cơ quan Nhà nước… Rồi biệt thự cứ mọc lên ầm ầm.."- bạn đọc chientran cảm thán.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi với mức thu nhập của một công chức, vì sao một số cán bộ lại có thể sở hữu khối tài sản lớn như vậy? Việc kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản của công chức hiện nay được thực hiện như thế nào, hiệu quả, hiệu lực ra sao?
"Luật Phòng chống tham nhũng quy định cụ thể về minh bạch tài sản của công chức lãnh đạo. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành, hầu như việc kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tính tự giác của công chức. Việc xác minh chỉ được tiến hành khi có đơn thư tố cáo, hay căn cứ khác cho rằng công chức có biểu hiện tham nhũng. Ngoài ra, hiện không có quy định cấm hay chế tài xử lý hành vi phát tán thông tin tài sản, thu nhập của công chức; không có quy định thu hồi, sung công số tài sản tang thêm mà công chức không giải trình rõ nguồn gốc, hoặc giải trình không thuyết phục. Đây là kẽ hở không nhỏ, dẫn đến không ít công chức có khối tài sản lớn bất thường, nhưng không có chế tài xử lý, nên họ vẫn "ung dung"- bạn đọc Trần Hoàn Khanh nêu ý kiến.
Bạn đọc Phạm Hoàng Phúc cũng cho rằng hiện chưa có văn bản pháp quy nào về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
"Minh bạch tài sản, thu nhập, hay nói cách khác là kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức được coi là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta không nhanh chóng bịt những "khe hở", thì rất khó chống tham nhũng thành công, khó đáp ứng được niềm tin, sự trông đợi của quần chúng nhân dân"- bạn đọc Phạm Hoàng Phúc nhấn mạnh.
Nguồn: Người Lao Động