Theo Kênh QPVN, tại buổi làm việc với Nhà máy A34, Cục kỹ thuật Quân chúng Phòng không Không quân vừa qua, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật để hiện đại hóa vũ khí, khí tài phòng không tầm thấp thì Nhà máy A34 cần tiếp tục phát huy vai trò là cơ sở duy nhất trong việc nghiên cứu sửa chữa, cải tiến và sản xuất vật tư, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tế vũ khí trang bị kỹ thuật.
Nhà máy A34 là đơn vị có đầy đủ hệ thống dây chuyền trang bị công nghệ, tài liệu công nghệ và đội ngũ nhân viên, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành bảo đảm kỹ thuật tuyến cuối và phát triển cho lực lượng pháo phòng không, tên lửa tầm thấp và thiết bị mặt đất, đảm bảo bay cho Quân chủng cũng như toàn quân.
Từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật theo kế hoạch, chất lượng sản phẩm ổn định, tổ chức sửa chữa cơ động đảm bảo chặt chẽ, phối hợp triển khai dự án đầu tư công nghệ đáp ứng với yêu cầu đề ra.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Bế Xuân Trường yêu cầu thời gian tới, Nhà máy A34 cần tiếp tục ứng dụng tốt kỹ thuật công nghệ để duy trì sự phát triển của lực lượng phòng không tầm thấp, phát huy hiệu quả quá trình đầu tư nâng cấp công nghệ sửa chữa lớn trang thiết bị đặc chủng đảm bảo bay để sẵn sàng đưa vào thực hiện, đảm bảo tốt cho các đơn vị huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Được biết, những hệ thống phòng không tầm thấp đang được Nhà máy A34 nâng cấp gồm Strela-10M (SA-13 Gopher), pháo phòng không tự hành ZSU-23-4…
Theo những thông tin được công khai, Strela-10M là tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp điều khiển bằng quang/hồng ngoại có khả năng cơ động cao. Chính vì thế nó được định danh là tên lửa tầm thấp A-89.
Tổ hợp gồm khối bệ giá phóng tên lửa, khí tài radar và các thiết bị quang học được đặt trên khung gầm xe lội nước hạng nhẹ MT-LB, có khả năng việt dã và cơ động cao. Dự trữ hành trình theo nhiên liệu của tổ hợp là 500km trên đường nhựa.
Mỗi xe Strela-10M mang 4 đạn tên lửa 9M37 (9M37M) có tầm bắn hiệu quả tới 5.000m trong dải độ cao 25-3.500m, đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản ở chế độ sẵn sàng bắn.
Ngoài ra, còn có thêm 4-8 đạn khác thuộc cơ số dự trữ và chỉ mất 3 phút để tái nạp đạn. Các tên lửa 9M37 được điều khiển tới mục tiêu bằng chế độ tự dẫn trong 2 kênh: Hồng ngoại và Quang học, cho phép bắn được các mục tiêu "tàng hình" về nhiệt cũng như "tàng hình" về sóng vô tuyến.
Tổ hợp có khả năng diệt mọi loại mục tiêu bay thấp và có diện tích phản xạ radar nhỏ ở tốc độ bay hướng vào tới 517m/s (khi bắn đón) và tốc độ bay hướng ra 415m/s (khi bắn đuổi) như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV),…
Strela-10M đã tham gia Chiến tranh vùng Vịnh (1991) và Chiến tranh Kosovo (1999) với hiệu suất chiến đấu khá tốt, bắn rơi tại chỗ và bắn bị thương nhiều máy bay của Liên quân (NATO và đồng minh), nhất là dòng máy bay săn diệt tăng A-10 ThunderBolt.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), Liên Xô đã viện trợ cho Viêt Nam hệ thống Strela-10M (không xác định số lượng). Và vũ khí này hiện được sử dụng để bảo vệ những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 của Việt Nam.
Nguồn: baodatviet.vn