Nếu như tiêm kích đa năng Su-30MK2 hay cường kích Su-22M4 thực hành ném bom, bắn rocket không có gì lạ thì việc trực thăng Mi-17 mang đầy đủ cấu hình vũ khí là điểm nhấn đáng quan tâm.
Vai trò chính của trực thăng Mi-17 trong Không quân Việt Nam là vận tải, chở quân, nhưng khi cần thiết nó cũng mang được rocket để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.
Cho dù chưa có khả năng dẫn bắn tên lửa chống tăng như phiên bản Mi-171Sh, nhưng với 6 bình rocket cỡ 55 mm với tổng cộng 192 quả đạn thì đây thực sự là cơn ác mộng đến từ bầu trời.
Dựa trên những hình ảnh của Kênh truyền hình quốc phòng, trực thăng Mi-17 đã sử dụng rocket S-5 trong đợt diễn tập bắn ném đang diễn ra. Mỗi chiếc máy bay lên thẳng Mi-17 mang theo tới 6 thùng phóng UB-32-57 của loại rocket này.
Dự án nghiên cứu chế tạo rocket S-5 bắt đầu từ những năm 1950, như một phần trong chương trình vũ khí không đối không AS-5 để trang bị cho tiêm kích MiG-19.
ARS-57 đã được thử nghiệm trên máy bay MiG-15 và MiG-17, các bài kiểm tra hoàn thành vào năm 1955 trên MiG-17PF và nhận kết luận rằng đây không phải là vũ khí phù hợp cho các cuộc không chiến.
Thay vào đó, tháng 4/1955, nó được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị với vai trò vũ khí không đối đất và nhận định danh S-5.
Rocket S-5 có tất cả 11 biến thể, hình dạng và cấu tạo phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Các loại chính gồm: S-5K sử dụng đầu đạn lõm để chống thiết giáp, S-5M là loại nổ phân mảnh sát thương chống bộ binh, S-5S là loại đạn chứa 1.000 — 1.100 mũi tên dài 40 mm.
Rocket S-5 có chiều dài 0,83 — 1,073 m; trọng lượng 3,64 — 5,02 kg; tầm bắn vào khoảng 3 — 4 km tùy phiên bản.
Rocket S-5 được bắn đi từ ống phóng cỡ 57 mm, ngoài loại thùng phóng thông dụng UB-32-57 chứa 32 ống thì nó còn có phiên bản hạng nhẹ UB-16-57 với cơ số đạn rút xuống còn một nửa.
Hiện nay rocket S-5 vẫn còn trong trang bị của Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam, thường được trang bị cho trực thăng Mi-8/17 cũng như tiêm kích bom Su-22 và máy bay huấn luyện L-39.
Nguồn: QPVN, Báo Đất Việt