Trước đó, ngày 08/08/2017, Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Trước Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, từng có những Thứ trưởng khác cũng đã phải "hạ cánh" không an toàn, thậm chí phải ngồi tù vì những sai phạm.
Ông Cao Minh Quang — Thứ trưởng Bộ Y tế
Tháng 12/2009, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm của ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó như: Thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế; nhận xét, đánh giá tùy tiện, không mang tính chất xây dựng đối với cán bộ cấp dưới.
Ngoài ra, ông Quang còn vi phạm quy chế làm việc của cơ quan Bộ Y tế trong việc gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có nội dung trái với dự thảo nghị định về quản lý thanh tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm khi đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thống nhất trình Chính phủ; khai nhận học vị tiến sĩ không đúng thực chất văn bằng được cấp theo chương trình đào tạo tại Thụy Điển…
Do vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, UBKT Trung ương đã cảnh cáo về Đảng, đồng thời kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý hành chính. Sau khi ông Quang có đơn khiếu nại, UBKT Trung ương đã xem xét hạ mức kỷ luật xuống khiển trách.
Tháng 1/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký quyết định điều chuyển ông Cao Minh Quang — nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về làm chuyên viên Viện Dược liệu.
Ông Nguyễn Việt Tiến — Thứ trưởng Bộ GTVT
Tháng 4/2006, ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ GTVT bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 281 Bộ luật Hình sự; và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 13/VKSTC-V1A ngày 28/03/2008 của Viện KSND Tối cao đã quyết định đình chỉ vụ án và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Tiến.
Sau khi có Quyết định của Viện KSND Tối cao, ông Nguyễn Việt Tiến đã đề nghị được phục hồi chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT khi trước đó ngày 29/3/2006, Thủ tướng đã ký quyết định số 481-QĐTT tạm đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT đối với ông.
Tuy nhiên, yêu cầu của ông Tiến đã không được đáp ứng bởi tại cuộc họp xét kỷ luật của Ban Bí thư diễn ra ngày 12/08/2008, Ban Bí thư kết luận, trong thời gian giữ chức Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Việt Tiến đã có những sai phạm: Thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện, các dự án ODA tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18). Với cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Giao thông Vận tải, ông Tiến thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên; dẫn tới hậu quả nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Mai Văn Dâu — Thứ trưởng Bộ Thương mại
Ngày 18/11/2004, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Thương mại (tiền thân của Bộ Công thương) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 Bộ luật Hình sự. Trước đó 1 ngày, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có quyết định đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Thương mại đối với ông Mai Văn Dâu.
Vụ án đưa và nhận hối lộ, lừa đảo, lợi dụng chức vụ liên quan đến việc chạy quota (hạn ngạch xuất khẩu) dệt may sang Mỹ được dư luận đặc biệt quan tâm tại thời điểm đó.
Ngày 20/6/2007, HĐXX Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên án Mai Văn Dâu 12 năm tù giam vì tội "Nhận hối lộ". Cùng hầu tòa với nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại còn có 6 bị can khác với các tội danh đưa và nhận hối lộ, lừa đảo, lợi dụng chức vụ liên quan đến việc chạy quota dệt may sang Mỹ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi,….
Trong số này có cả con trai ông Dâu là Mai Thanh Hải (chuyên viên Vụ XNK Bộ Thương mại. Hải bị tuyên 1 năm tù, tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; 4 năm tù, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng cộng mức án là 5 năm tù cho cả hai tội danh.
Trước đó, Mai Thanh Hải bị tố nhận tiền chạy quota xuất khẩu sang Mỹ của một số doanh nghiệp dệt may, nhưng thực tế các doanh nghiệp này đã không được cấp hạn ngạch như Hải đã hứa.
Ông Dâu được đặc xá dịp Tết Kỷ Sửu năm 2009 sau 5 năm tù giam.
Thứ trưởng Nguyễn Quang Hà — Nguyễn Thiện Luân, Bộ NN&PTNT
Cụ thể, hai cựu Thứ trưởng của Bộ NN&PTNT đã mở đường cho công ty Tiếp thị Thương mại, thuộc Bộ NN&PTNT do Lã Thị Kim Oanh làm Giám đốc, lao vào cơn lốc địa ốc bằng việc cho phép thêm nhiều chức năng kinh doanh — mặc dù thực lực công ty không hề có. Hơn thế, các bị cáo đã ký bảo lãnh, xác nhận và đề nghị ngân hàng cho Công ty Tiếp thị vay tiền để rồi không trả được nợ.
Ông Nguyễn Quang Hà khi làm Thứ trưởng đã ký cho Công ty này vay 10 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội, sau đó công ty không trả hết nợ. Tương tự, ông Nguyễn Quang Hà còn hạ bút vào hai công văn của Công ty Tiếp thị Thương mại vay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam 16 tỷ; ký xác nhận vay Ngân hàng công thương Ba Đình vay 25 tỷ đồng… Tổng cộng, ông Hà đã ký xác nhận, bảo lãnh vay trên 7 công văn của Công ty Tiếp thị Thương mại, khiến cho công ty này không có khả năng trả cả gốc lẫn lãi 54,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, người đồng cấp của ông Hà là Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân bảo lãnh cho Lã Thị Kim Oanh vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội và chi nhánh của ngân hàng này hơn 23 tỷ đồng bằng hai công văn xác nhận nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, trong khi vốn ngân sách đã cấp đủ cho cả hai dự án.
HĐXX đã tuyên phạt hai cựu Thứ trưởng mỗi người 3 năm tù giam về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn: Infonet