Theo báo cáo của báo Suddeutsche Zeitung cho biết, ông Burkhard Lischka, phát ngôn viên về chính sách đối nội của khối dân biểu đảng SPD đã nói với báo Spiegel:
"Theo quan điểm của tôi là cần phải trục xuất những nhân viên khác được biết đến của tình báo Việt Nam và đóng băng từng phần các Quĩ dự án trong khuôn khổ hợp tác phát triển."
Tiếp theo bản báo cáo, ông Jürgen Hardt, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại của khối dân biểu đảng liên minh Thiên chúa giáo CDU/CSU kêu gọi, phải có những biện pháp chung của Liên minh châu Âu, các nhân viên tình báo liên quan là "những người không được hoan ngênh" ở đây và phải trục xuất họ ra khỏi đất nước này, cộng với trừng phạt kinh tế. Thế nhưng những biện pháp trừng phạt đó không được để ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, ông Hardt nói thêm.
"Berlin cần đòi hỏi để phía Việt Nam lập tức thả ông Thanh và thu xếp sự hiệp lực lâu dài thường xuyên giữa Đức và Việt Nam để giải quyết thành công vụ việc", — ông Phil Robertson, Phó Giám đốc chi nhánh Human Rights Watch tại châu Á tuyên bố.
Dù sao chăng nữa, hiện thời Đức chỉ công bố quy chế persona non grata (nhân vật không được hoan nghênh) với một vị phụ trách tình báo của Sứ quán Việt Nam. Tại thời điểm này có vẻ Hà Nội không định đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, đất nước là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Hệ quả là trong tuần đại diện Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố họ đang xem xét tất cả các khả năng tác động đến Việt Nam.
Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel kiêm "thủ lĩnh không chính thức của EU" sẽ gây áp lực với các nước láng giềng châu Âu của mình để ngăn chặn tiến trình trong Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), mà như dự kiến sẽ được phê chuẩn vào đầu năm tới.
Điều đáng tiếc rằng, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và hiệp định này có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Việt Nam. Ngay từ trước vụ bắt cóc Trinh Xuân Thanh cũng đã có ý kiến cho rằng việc phê chuẩn EVFTA có thể bị đình hoãn vì "tình hình tồi tệ khủng khiếp" trên bình diện đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam, mà theo quan điểm của một số người, đã lại càng xấu đi trong những năm gần đây. Các nhóm hoạt động nhân quyền bận rộn vận động hành lang để Hiệp định bị bác hoặc ít nhất cũng phải sửa đổi. Họ cố gắng để EU chỉ thông qua Hiệp định trong trường hợp Chính phủ Việt Nam thực sự cải thiện tình hình quyền con người.
"Chúng tôi đã nói với chính quyền Việt Nam rằng trong những điều kiện này sẽ cực kỳ khó chấp thuận Hiệp định", — ông Pier Antonio Panzeri Chủ tịch Tiểu ban Nghị viện châu Âu về Nhân quyền tuyên bố tại cuộc họp báo hồi tháng Hai về chuyến thăm Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ngày 17/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật diễn biến mới nhất sau khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".