Khi có học sinh nhắc đến việc ông là giáo sư Việt Nam trẻ nhất, GS Ngô Bảo Châu nói cách đây 10 năm, trong các cuộc họp, ông luôn là người trẻ nhất, nhưng giờ thì cũng đã xếp vào hàng "có tuổi".
Thời gian là một khoảng cách rất dễ thay đổi, GS nhắc nhở học sinh thấy rõ giá trị và tận dụng thời gian khi ngồi trên ghế nhà trường để học tập thật tốt.
Hầu hết học sinh đều mong muốn được GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về bí quyết học Toán. GS kể ban đầu, ông cũng không giỏi Toán, thậm chí thi trượt cấp 2 trường Thực nghiệm. Sau lần đó, ông chăm học và quyết tâm cao hơn.
Cách học của GS Ngô Bảo Châu là không ham làm nhiều bài tập, nhưng khi đã làm thì luôn tìm nhiều cách giải và viết lời giải hay nhất có thể. Việc hiểu bản chất bài tập quan trọng hơn là giải nhiều bài. Ngoài ra, với mỗi bài toán, học sinh cần nhìn ra giả thiết nào quan trọng, liên kết bài tập này với bài tập kia, để hiểu không chỉ một mà cả mảng bài.
Người đoạt giải thưởng Fields nói ông thường có quyển sổ hệ thống bài đã học, trình bày lại theo cách của mình. Ông nhớ lại cách dạy của thầy giáo cũ là GS Tôn Thân, thường xuyên cho học sinh làm chuyên đề. Đây là cách để học sinh tự tìm tòi, tổng hợp và phân tích môn học.
Sau này, khi nhìn lại cuốn sổ của mình, GS Ngô Bảo Châu thấy một chuyên đề tên rất kêu và "buồn cười": Bàn về tam giác vuông. Ông đùa:
"Người ta bàn về hạnh phúc, cải cách giáo dục, mình bàn về tam giác vuông".
Nhiều bạn trẻ thắc mắc học giỏi như GS Ngô Bảo Châu có bao giờ thấy lo lắng khi đi thi. Ông kể nhiều khi thấy phong độ mình đi xuống, tinh thần không được tốt và lo lắng. Tuy nhiên, đến lúc thực sự bước vào kỳ thi, sự quyết tâm lấn lướt nỗi lo lắng và hầu hết đều đạt kết quả tốt.
Thời điểm cậu học trò Ngô Bảo Châu học trường chuyên cấp 3 của ĐH Tổng hợp, thầy cô cứ 3-4 tuần lại tổ chức cho học sinh thi thử, nhờ thế tinh thần được rèn luyện, tâm lý ổn định hơn.
Đặc biệt, trong buổi chia sẻ, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh về định hướng nghề nghiệp cho học sinh. GS khuyên bạn trẻ cần có định hướng sớm, nên tham gia các hoạt động cộng đồng, trải nghiệm thực tế để hiểu mong muốn của bản thân.
GS Châu khuyến khích bạn trẻ "bám" bố mẹ đến công sở, nơi làm việc. Ví dụ, bạn nhỏ có thể theo bố đi khám bệnh từ thiện để hiểu về nghề y, cùng mẹ đến xưởng sản xuất thời trang để hiểu về nghề làm đẹp. Nghề nghiệp không chỉ là học vấn, mà là trải nghiệm thực tế nên cần có định hướng từ sớm để khi vào đại học có sự chắc chắn.
GS Châu cũng khuyên học sinh dù theo ngành nào cũng cố gắng giỏi môn Toán vì hầu như ngành nghề, vấn đề nào cũng cần sự định lượng và tiên đoán. Học giỏi Toán sẽ có nhiều lựa chọn với các ngành kinh tế, tài chính, công nghệ…
Nguồn: Zing