Trước khi diễn ra cuộc tập trận, từ phía Bình Nhưỡng đã vang lên hàng loạt những lời đe dọa, coi đó như một hành động khiêu khích, là cuộc diễn tập xâm lược Bắc Triều Tiên. Ngay trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đúng là CHDCND Triều Tiên đã rút lại lời đe dọa tấn công tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, tuy nhiên nước này vẫn cảnh báo rằng sẽ hành động tùy thuộc vào bước tiếp theo của Hoa Kỳ.
Liệu cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn này có thể là một bước như vậy? Chuyên gia Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Konstantin Asmolov đã không loại trừ phản ứng mạnh mẽ của Bình Nhưỡng:
"Thông thường, Bình Nhưỡng phản ứng với một loạt tuyên bố. Hoặc, để đáp trả với những vụ phóng tên lửa và bắn đạn thật trong quá trình tập trận Hoa Kỳ-Hàn Quốc, họ cũng phóng tên lửa và bắn đạn thật. Chúng ta hãy chờ xem, không nên loại trừ điều gì cả. Do có cuộc tập trận, tình hình trong khu vực sẽ nóng hơn".
Trong quá trình tập trận Ulchi Freedom Guardian năm 2015, hai nước Triều Tiên đã trao đổi hàng loạt pháo và tên lửa trên khu vực biên giới đất liền của họ. Trong bối cảnh khủng hoảng tên lửa hiện nay, những rủi ro leo thang đã tăng lên đáng kể và có thể biến thành xung đột vũ trang lớn từ sự cố nhỏ cục bộ trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Bắc Kinh đã đưa ra tín hiệu rõ ràng với Washington và Seoul: không nên khiêu khích làm tình hình thêm trầm trọng. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lưu ý: việc Hoa Kỳ cho rằng cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian là hàng động thường kỳ và phù hợp với luật pháp quốc tế là không "phù hợp" nếu tính đến tình hình leo thang khủng hoảng hiện nay.
Washington đã không chấp nhận lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc cần phải suy nghĩ lành mạnh thấu đáo. Tâm lý của cuộc "Chiến tranh Lạnh" chưa phải đã chấm dứt, như ý kiến của Liu Zhao, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về vấn đề bán đảo Triều Tiên:
"Trong những năm gần đây, các cuộc thao diễn hỗn hợp Mỹ-Hàn Quốc khác nhau về nội dung. Ngày càng gia tăng quy mô các lực lượng tham gia tập trận. Những hành động như vậy cho phép CHDCND Triều Tiên có cớ xem chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, và do đó thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc tiến hành thử nghiệm thiết bị hạt nhân hoặc tên lửa. Nên nhớ rằng tranh cãi rắc rối giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đã đạt đến đỉnh điểm. Rất có thể tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên trầm trọng".
Lầu Năm Góc nói rằng trong cuộc diễn tập sẽ có khoảng 40 nghìn quân nhân tham gia, cũng như có cả binh lính Hàn Quốc. Tức là, toàn thể số lượng người tham gia tập trận có thể đến 60-70 nghìn. Điều này rõ ràng là không cần thiết cho việc huấn luyện đào tạo thông thường về hợp tác quân sự, như chuyên gia Nga Konstantin Asmolov bình luận. Trong khi đó, các bên tập trận đang cân nhắc kế hoạch tham gia của máy bay chiến đấu Mỹ. Thông tấn xã Yonhap cũng dẫn lời một sĩ quan cao cấp quân đội Hàn Quốc, người này cảnh báo về cuộc "trả đũa không thương tiếc đáp trả lại bất kỳ cuộc tấn công nào".