Có lẽ cần phải khẳng định lại, BOT là một chủ trương đúng đắn để phát triển kinh tế đối với các nước, đặc biệt là phương thức hữu hiệu đối với các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, khi du nhập về Việt Nam, không ít nơi, nó đã nhanh chóng bị biến tướng, trở thành miếng mồi béo bở cho lợi ích nhóm.
Điều này không chỉ là mất mát mà còn cho thấy một chính sách dù tốt đến đâu, nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ cộng với sự tha hóa của những người có quyền lực thì sự biến tướng từ tốt sang xấu là điều không khó.
Giờ đây, dung mạo của BOT Việt Nam đã hiện ra tương đối rõ với tất cả những cái được và chưa được của nó. Câu hỏi đặt ra, đó là Đảng, Nhà nước cần làm gì để khắc phục, sửa chữa những mặt xấu, mặt chưa được, làm rõ và phát huy mặt tốt để BOT thực sự trở thành một trong những công cụ đắc lực phát triển kinh tế đất nước, đồng thời làm rõ, ai phải chịu trách nhiệm về sự tha hóa này.
Trả lời báo Tiền phong, bài "Cần giải trình trước Quốc hội về dự án BOT", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết:
"Bộ GTVT, địa phương cần phải vào cuộc, thẳng thắn chỉ ra những sai sót để trả lời công luận và nhận thiếu sót, khuyết điểm. Bộ trưởng Bộ GTVT cần giải trình rõ ràng về vấn đề BOT tại kỳ họp Quốc hội tới".
Đây là ý kiến xác đáng, song theo người viết bài này, BOT không chỉ cần phải giải trình trước Quốc hội mà cần phải thành lập đoàn thanh tra do UB Kiểm tra Trung ương, một địa chỉ tin cậy hiện nay đứng ra chủ trì cùng với các Bộ, ngành và các chuyên gia độc lập tổng thanh, kiểm tra tất cả các dự án BOT cả nước đối với tất cả các công đoạn từ qui trình đấu thầu, hạch toán giá thành, chất lượng công trình và kiểm tra tài chính.
Từ đó, tìm ra những cái được để phát huy, cái chưa được để chấn chỉnh, cái vi phạm để xử lý nghiêm túc, không "kiểm điểm", "rút kinh nghiện", "phê bình"…
Đặc biệt, cũng cần làm rõ "cái "vỗ vai" phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp "sắp chết", vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao" mà báo Thanh niên đã đưa trong bài ""Ăn chặn" tiền dân!" ngày 18/8 vừa qua.
Đây là việc làm quan trọng, nó không chỉ giúp ngăn chặn sự can thiệp thô bạo, cảnh tỉnh bệnh "thái thượng hoàng" của ai đó khi đã về hưu còn dùng tên tuổi của mình nhằm mang lại lợi ích cho người thân hoặc gia đình. Hơn thế nữa, nó còn minh bạch để những vị lãnh đạo cấp cao khác không bị nghi oan, ông này hay bà kia… Lò đã nóng, xin đừng để bất cứ "khúc củi" nào dù tươi và to đến mấy không cháy!
Tóm lại, BOT phải thỏa mãn ba lợi ích: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, không thể để BOT — một phương thức hiệu quả của thế giới khi về Việt Nam lại bị biến tướng bởi tham nhũng và lơi ích nhóm.
Đây có lẽ là mong muốn không chỉ của người viết bài này mà còn của nhân dân gửi tới Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Dân Trí