Sự thật vụ rò rỉ thông tin về việc “ra quân xử lý” mắm tôm bẩn

© ẢnhRất bài bản quy củ khi đoàn kiểm tra “bất ngờ xuất hiện”.
Rất bài bản quy củ khi đoàn kiểm tra “bất ngờ xuất hiện”. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bắt đầu nhận nguồn tin và tiến hành điều tra bí mật từ mùa đông năm 2016, tuy nhiên, nhóm PV chúng tôi mới tạm đủ cơ sở để trân trọng mời Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Thanh Hóa vào cuộc kiểm tra. Và cũng phải đến lúc gặp được đích danh đồng chí Giám đốc Sở này, công việc mới có tiến triển.

Trước đó, chúng tôi đã gặp trực tiếp, trình bày kỹ, bật laptop mời đồng chí Trưởng phòng Thanh tra xem các tài liệu đã thu lượm được. Song, các nỗ lực của nhà báo vẫn rơi vào im lặng. Dấu hiệu bị lộ thông tin cơ sở đang "bị điều tra" là tương đối rõ ràng.

Sự thật phơi bày

Trước hết, nói về những sai phạm của cơ sở sản xuất mắm tôm quy mô lớn có tên là Phương Nhung ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Nói về lý, tại thời điểm nhà báo dẫn đoàn kiểm tra của Sở đi khoảng 40km từ thành phố xuống địa bàn và ập vào vẫn "hoàn toàn bí mật", bí mật cả với lực lượng thanh tra và lãnh đạo Sở. Kết quả: Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện việc sử dụng hóa chất hay phụ gia độc hại. Song, trước các video nhà báo đưa ra, đại diện chủ cơ sở, ông Trần Văn Thành đã thừa nhận, đại ý: Họ "đã từng" (?) sử dụng phụ gia (hóa chất) trong chế biến mắm tôm, để nó tạo màu sắc. Gần đây biết như thế là nguy hiểm, là không tốt đẹp gì nên đã "ngừng" (?) sử dụng.

Chi tiết này được ghi hình, trước sự chứng kiến của anh Đồng — Phó Chi cục trưởng, bà Loan — đại diện Phòng nông nghiệp huyện, ông Hải — đại diện UBND xã Ngư Lộc. Các tố cáo của bà Ng, như đã đăng ở kỳ 1 là không thể thuyết phục hơn.

Nhìn bể mắm tôm đen kịt, chính đại diện cơ sở nói với chúng tôi trong buổi kiểm tra cũng kêu là nó đen quá do "nhạt muối", nhưng khi xuất bán, tất cả các chai chúng tôi mua về thì mắm tôm của cơ sở này đều hồng đỏ "đẹp mã" vô cùng. Ít nhất có 3 loại phụ gia (hóa chất) mà bà Ng tố cáo, thậm chí mang nhãn mác về cho nhà báo (lúc đó đang vào vai con buôn) xem. Bây giờ chúng đi đâu?

Vấn đề ở đây là: Nếu phụ gia hóa chất đó trong mức độ cho phép và "lành tính" thì cớ sao cơ sở không ghi trong công bố quy chuẩn về ATTP của mình? Chúng tôi có trong tay bản công bố "Thông tin chi tiết về sản phẩm" mắm tôm Phương Nhung, ghi rõ "không sử dụng" phụ gia thực phẩm. Thậm chí quy trình được đăng ký trong hồ sơ, có chữ ký "tươi" của bà chủ, không có dấu hiệu nào cho thấy được phép "bỏ" phụ gia vào sản phẩm cả. Trên bao bì nhãn mác cũng không có thông tin về phụ gia. Điều này thật sự là gian dối.

Gian dối hơn, đoàn kiểm tra làm việc được cả tiếng đồng hồ, đại diện chủ cơ sở vẫn một mực giấu giếm nhiều sai phạm. Chỉ khi PV Báo Lao Động gọi ông Trần Văn Thành và vài nhân viên nữa ra, cho xem video và khuyên nên thành khẩn, thì họ mới thừa nhận trước toàn bộ đoàn kiểm tra. Họ về nhà mình đem bộ "giấy tờ" liên quan đến mua bán các phụ gia đó sang xưởng. Họ thừa nhận nhiều điều đúng như lời bà Ng nói.

Sự thật đã rõ ràng. Nhân đây chúng tôi cũng muốn một sự rõ ràng hơn nữa. Đồng chí Phó Chi cục trưởng trực tiếp đi kiểm tra đã rất minh bạch. Có chi tiết: Khi trời gần tối, chúng tôi mới từ xưởng mắm tôm ngược lên thành phố tìm gặp Giám đốc Sở, thì ngay trong tối đó, đồng chí đã cử lãnh đạo Chi cục trao đổi kỹ với chúng tôi.

Sáng hôm sau, đầu giờ làm việc đã có Quyết định thành lập đoàn kiểm tra và nổ máy lên đường. Và đoàn kiểm tra đã ghi bằng biên bản, yêu cầu bổ sung, xử lý các "thiếu sót" của cơ sở Phương Nhung khá rành mạch. Ví dụ, họ chưa trình ra được hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất; hồ sơ mua nguyên liệu (như hợp đồng, hóa đơn); giấy xác nhận kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người làm.

Bên cạnh đó, nhãn mác ghi còn thiếu nhiều thông tin theo quy định; một số thông tin trên nhãn còn sai cả nội dung; thông tin đăng ký chất lượng trên bao bì… đã hết hạn. Trong xưởng nhiều chai lọ cũ thu mua về tận dụng đựng mắm tôm (như thừa nhận của công nhân), điều này cũng vi phạm quy định và cam kết sử dụng chai nhựa mới đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, cái bẩn thỉu ghê rợn nhất là "bộ sưu tập" côn trùng chết thối, giòi bọ, gián, thạch sùng trong bể mắm thì chúng tôi chưa kịp nhắc và đoàn kiểm tra cũng tuyệt nhiên không nói gì đến. Biên bản cuối cùng vẫn ghi là "cơ bản đủ các điều kiện về ATTP"!

Hàng loạt sai phạm và các dấu hỏi

Mẫu mắm tôm đã được đoàn lấy đúng quy trình, niêm phong lại. Cái chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những sai phạm và những kẽ hở chết người.

Ví dụ việc lộ thông tin "ra quân" là khó có thể chối cãi. Khi nhóm PV lên phòng làm việc của ông Hoàng Văn Tuấn — Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành của Chi cục — thì ông này đã tiếp nhận. Ông xem đủ các video chúng tôi đã quay, với mặt người và không gian rõ nét.

© ẢnhHình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh khi chúng tôi ghi hình lén.
Hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh khi chúng tôi ghi hình lén. - Sputnik Việt Nam
Hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh khi chúng tôi ghi hình lén.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía ông Tuấn cho buổi làm việc trên. Khi "trở lại Thanh Hóa" để tố cáo lần 2, gặp đích thân và lấy "bút phê" từ Giám đốc Sở NNPTNT, khi đoàn kiểm tra lên đường, thì chúng tôi nhận thấy trong đoàn có ông Tuấn.

Chúng tôi làm việc với nhau đến 4-5 tiếng đồng hồ, nhận ra mặt nhau, nhưng chưa bao giờ ông Tuấn nhắc đến cái hôm chúng tôi lên phòng ông và tố cáo mắm tôm bẩn rồi cùng bàn cách ra quân xử lý. Điều gì diễn ra ở đây? Chúng tôi không quy kết ông Tuấn để lộ thông tin, mà chỉ muốn nói rằng tâm huyết của chúng tôi đã bị đổ gáo nước lạnh và dường như chắc chắn là thông tin bị lộ…

Còn nhớ, sau khi báo cáo ông Tuấn, chúng tôi trở về khách sạn và nín thở chờ kết quả. Không một hồi âm. Đêm ấy, gọi điện cho bà Ng thì cả buổi tối không thấy bà nghe máy. Điều này là rất bất thường, vì chúng tôi đã bắt mối làm ăn từ lâu, con bà Ng bảo, mẹ cháu chưa bao giờ đi làm việc tối như thế này cả.

Khuya, bà Ng mới gọi lại, nói là vừa đi cọ rửa dọn dẹp, giặt giũ ở xưởng mắm tôm về. Linh cảm có điều chẳng lành, chúng tôi tiếp tục liên lạc, anh hàng xóm, tinh mơ hôm sau đã báo cáo khẩn: Họ dọn dẹp kỹ lắm. "Chắc chắn lộ rồi các cậu ạ!". Trưa cùng ngày, "đầu mối" tiếp cận bà Ng tại nhà. Bà này tiết lộ: Tôi phải đi dọn dẹp nhà xưởng, lau chùi sạch sẽ các thứ để "đón" đoàn kiểm tra. Hóa chất phải giấu đi đừng để họ phát hiện…

Chiều ấy, chúng tôi sắm một vai khác, xâm nhập cơ sở mắm tôm Phương Nhung để ghi hình. Đúng như dự đoán: Sáng hôm sau, khi đoàn kiểm tra ập vào, xưởng lại được chuẩn bị kỹ càng thêm một lần nữa để "đón khách".

Chỉ cần so sánh hình ảnh chúng tôi quay chiều hôm trước, với hình ảnh của buổi sáng "tập kích" công khai đó, thì đã khác một trời một vực. Chiều hôm trước còn nhếch nhác vi phạm. Sáng hôm "đón khách", nhân công trong xưởng còn đeo khẩu trang mới tinh, găng tay trắng ngà. Xưởng sạch sẽ gọn ghẽ.

Cho nên, không có gì bất ngờ, khi mà ngoài các "thiếu sót" về giấy tờ, thủ tục, thì sự bẩn thỉu, mất vệ sinh trầm trọng, cũng như dấu hiệu sử dụng phụ gia hóa chất mà "người trong chăn" tố cáo và thậm chí đã thừa nhận kia đều không được nhắc đến trong kết luận của đoàn kiểm tra.

Nhưng, dù lấp liếm thế nào, thì các hình ảnh giòi bọ, rết, nhện, thạch sùng chết đầy rẫy trong bể mắm, mắm tôm mà PV Lao Động ghi được vẫn là quá sức tưởng tượng. Thử hỏi, những ai đã, đang và sẽ trục lợi ở đây? Những ai gánh chịu hậu quả từ sự độc hại núp bóng "Đặc sản Hậu Lộc", "Đặc sản Thanh Hóa" bán nhiều tấn mỗi tuần kia? Chắc chắn là tất cả người tiêu dùng vô tội, trong đó có chúng tôi và các bạn.

Nguồn: laodong.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала