Trong căn hộ nằm trên tầng 2 khu tập thể phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của ông Hồng, phòng khách rộng hơn chục mét vuông tràn ngập những bút tích và ảnh ông chụp Đại tướng.
Cơ duyên lọt vào "mắt xanh" của Đại tướng
Nói về cơ duyên trở thành người chụp ảnh cho Đại tướng, Đại tá Hồng nhớ lại, năm 1973, khi vừa tốt nghiệp Trường Tuyên huấn TƯ (nay là HV Báo chí và Tuyên truyền), ông trở thành PV của báo Quân đội nhân dân, có cơ hội được thường xuyên tiếp xúc với Đại tướng.
Năm đó cũng là lần đầu tiên ông chụp Đại tướng trong sự kiện trao trả tù binh tại sân bay Gia Lâm.
21 năm sau, ông Hồng mở 2 cuộc triển lãm ảnh, Đại tướng đều đến xem. Ông Hồng nhớ mãi một buổi chiều tháng 10/1994, ông xin vào chụp ảnh nhưng thư ký của Đại tướng từ chối.
"Tôi định ra về thì Đại tướng xuất hiện và nói cho tôi vào chụp, sau đó Đại tướng có nói với ông Nguyễn Huyên (trợ lý của Đại tướng) là để nhà báo Trần Hồng vào gặp và chụp ông bất cứ lúc nào cũng được".
Bộ ảnh chụp riêng đầu tiên đó cũng là những hình ảnh mà Đại tá Hồng ấn tượng nhất trong cả cuộc đời, từ hình ảnh Tướng Giáp tập thể dục, ngồi thiền, sinh hoạt, ăn uống… ông đều ghi lại và coi đó như tài sản vô giá.
"Mối tình đầu bao giờ cũng rất mãnh liệt, giao cảm ban đầu của tôi rất mạnh. Ngày hôm đó, tôi chụp rất nhiều ảnh Đại tướng — đó là seri ảnh cả đời tôi không quên".
"Chụp ảnh Đại tướng tôi rưng rưng nước mắt"
Đại tá Hồng tâm sự:
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống giản dị. Ông giản dị trong từng bữa ăn, tới mức lúc đó khi tôi đã có cấp bậc trung tá cũng nghèo lắm mà thấy bữa cơm của mình còn sang hơn bữa cơm của Đại tướng".
Nói về bữa cơm gia đình của Đại tướng, ông có chụp một bức ảnh vào tháng 10/1994:
"Hôm đó, tôi chứng kiến những cử chỉ rất cảm động của ông bà, mâm cơm trắng với hai quả trứng, hết sức đạm bạc, bà nhường cho ông, ông lại nhường cho bà, cái đĩa trứng cứ đẩy đi đẩy lại.
Ông thì nói:
"Em ăn đi", còn bà thì nói lại: "Thôi anh ăn đi thì mới có sức". Hai ông bà dành cho nhau những sự quan tâm rất đặc biệt".
Chụp ảnh đó xong, tôi cứ rưng rưng nước mắt.
Một bức ảnh khác ông chụp Đại tướng đứng lặng bên cạnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Khoảng gần trưa năm 1996, sau một buổi nói chuyện, mọi người đã ra về hết, tôi thấy Đại tướng bước đi chậm rãi, suy tư. Ông lặng lẽ bước đến cạnh bức tượng Bác Hồ. Tôi liền rút máy ra và chụp được 4 bức. Bức thứ 4 thì tôi thấy Đại tướng đã rưng rưng nước mắt".
Những khoảnh khắc do Đại tá, nhà báo Trần Hồng chụp về Đại tướng:
Nguồn: VietnamNet