Chiếc tàu chở khách thuộc loại này sinh ra trong cuộc đua tốc độ. Bởi trong suốt chặng dài của thế kỷ 20, tốc độ vận chuyển đường bộ và đường không tăng lên ngày càng lớn. Còn vận chuyển hàng hải vẫn chậm chạp. Khi chuyên chở hàng hoá thì còn đành chịu chấp nhận, nhưng đội tàu chở khách bắt đầu mất khách hàng. Để tăng tốc độ vận chuyển hành khách, đã đòi hỏi phải có những con tàu theo nguyên tắc khác.
Các nhà máy thiết kế-đóng tàu của những quốc gia khác nhau đều quan tâm đến ý tưởng về đôi cánh dưới nước. Kỹ sư Charles de Lambert (sống ở Pháp nhưng có quốc tịch Nga) đã đề xuất lý thuyết về việc này và cố gắng thực hiện ngay từ cuối thế kỷ 19.
Sau đó chuyên viên người Italy Enrico Forlanini đã thử nghiệm tàu cánh ngầm dưới nước. Năm 1906, con tàu thí nghiệm của ông đã đạt tốc độ 68 km/h. Năm 1919, một con tàu tương tự đã được thử nghiệm ở Mỹ, vận tốc đạt mức 114 km/h. Từ năm 1927, một nhóm kỹ sư Đức đứng đầu là Hans von Schertel đã tiến hành công trình nghiên cứu về tàu cánh ngầm và xây dựng nguyên mẫu tàu chiến (nhưng không thành công). Năm 1935, các nhà bác học Xô-viết Keldysh và Lavrentyev đã đề xuất lý thuyết hoàn chỉnh về tàu cánh ngầm. Tuy nhiên, suốt thời gian dài vẫn không thể tìm ra hình thức tối ưu, có khả năng đảm bảo cả lực nâng lẫn tính ổn định (tức là khả năng đưa con tàu trở về trạng thái ban đầu sau khi chấm dứt lực đẩy từng đưa nó ra khỏi sự cân bằng bình thường). Các kỹ sư còn phải đau đầu nghĩ cách đối phó với vấn đề sức phá hoại của thủy nhiệt (nước nóng sôi) trong khu vực cánh ngầm khi chuyển động.
Vào cuối những năm 1930, ý tưởng về tàu cánh ngầm đã cuốn hút ông Rostislav Alekseev — khi ấy là sinh viên Khoa Đóng tàu của Đại học Bách khoa mang tên Gorky. Năm 1940, ông thử nghiệm một mô hình nhỏ tàu cánh ngầm cỡ nhỏ, kéo sau một du thuyền. Mùa thu năm 1941 Alekseev bảo vệ thành công luận án về tàu cánh ngầm, và được gửi đến làm việc tại nhà máy "Krasnoe Sormovo". Thoạt đầu (bởi khi đó đang có chiến tranh), chàng kỹ sư trẻ đã buộc phải nghiên cứu… xe tăng mà nhà máy này sản xuất, nhưng phát minh con tàu với nguyên tắc chuyển động phi truyền thống đã trở thành sự nghiệp cuộc đời của Alekseev. Năm 1943, kỹ sư tài năng được bổ nhiệm lãnh đạo phòng thí nghiệm đặc biệt, và hai năm sau tại đó đã chế tạo được chiếc tàu nhỏ với cánh ngầm, đạt tốc độ 80 km/h. Con tàu lạ thường được sự chú ý của "cấp trên" và phòng thí nghiệm của Rostislav Alekseev được trao nhiệm vụ thực hiện đề án thiết kế tàu phóng ngư lôi cánh ngầm dành cho Hải quân. Đến năm 1951, nhóm nghiên cứu thực tế đã trở thành Cục Thiết kế Trung ương về tàu cánh ngầm (SPK). Quá trình sáng chế các tàu chở khách cỡ lớn bắt đầu được xúc tiến với nhịp độ nhanh chóng.
Năm 1957, tại nhà máy "Krasnoye Sormovo" đã hạ thủy chiếc tàu đầu tiên mang tên "Raketa". Thân tàu có hình dáng thuôn gọn khá lạ, có thể chở trên khoang tới 65 hành khách. Độ lún nước của "Raketa" khi di chuyển với cánh ngầm chỉ là 110 cm. Động cơ diesel 12 xilanh với công suất 850 mã lực (1000 mã lực trong phiên bản turbin) dễ dàng nâng con tàu trên cánh và tăng tốc đến 65 km/h.
Ngày 26 tháng Bảy năm 1957, Rostislav Alekseev thân chinh điều khiển tàu nguyên mẫu "Raketa" trong hành trình ra mắt tới tận thủ đô Matxcơva. Con tàu khác thường, đẹp đẽ và hùng mạnh đã khiến nhà lãnh đạo Liên Xô giai đoạn ấy là Nikita Khrushchev rất thích. Ngày 25 tháng Tám "Raketa" №1 hoàn thành chuyến đi vận hành thử kiêm trình diễn đầu tiên của nó trên sông Volga, từ Gorky (nay là thành phố Nizhny Novgorod) đến Kazan, vượt qua 420 km trong vòng 7 giờ. Tại sao lại chậm chạp như vậy? Bởi vì con tàu này ghé vào thả neo hầu như ở từng bến cảng dọc hành trình. Và ở chỗ nào cũng vậy, chiếc tàu chưa từng thấy này đều khơi lên cơn bão hưng phấn vui mừng trong những người dân địa phương ra đón chào chứng kiến.
Trong cùng năm đó, "Raketa" được sản xuất hàng loạt, nhưng không phải tại "Krasnoe Sormovo" mà là ở nhà máy đóng tàu "More" tại thành phố Feodosia của Crưm. Từ năm 1959 đến năm 1976, đã đóng được 389 "Raketa", gồm cả hơn 30 tàu được xuất khẩu (trong số những nước mua con tàu Xô-viết có Phần Lan, Đức, Vương quốc Anh, Canada và thậm chí cả Hoa Kỳ, mặc dù khi đó đang là thời gian gay gắt của "Chiến tranh Lạnh"). Ngoài phiên bản tàu chở khách, cũng có biến thể tàu cứu hỏa "Raketa" được trang bị hai súng vòi rồng cùng hệ thống phun nước và bọt dập cháy.
"Theo quan điểm của tôi, "Meteor" là cỗ máy tốt nhất trong dòng tàu cao tốc theo mẫu thiết kế của Rostislav Alekseev. "Meteor" được tạo dáng thật hoàn hảo: hãy thử nhìn từ cabin mũi tàu với ô cửa kính hình bán nguyệt, mở ra trước mắt ta toàn cảnh tuyệt đẹp của vùng nước bao la mà tàu đang đi!
Bản mẫu đầu tiên của con tàu được đóng ở Sormovo, còn số "hàng loạt" từ năm 1962-1963 là do người Zelenodolsk chúng tôi làm. Tổng cộng đã sản xuất 170 tàu động cơ loại này, theo nhịp độ xây dựng rất ấn tượng: trung bình đóng 12, thậm chí là 14 chiếc tàu mỗi năm.
Đáng chú ý là đã không hề sửa đổi đa dạng hóa con tàu, ngoại trừ một vài phiên bản riêng biệt. Chẳng hạn, một "Meteor" cho khách du lịch, với 70 chỗ ngồi đã được chế tạo dành cho Nhà an dưỡng của Chính phủ ở vùng Volga. Đã sản xuất hai chiếc "Meteora" với biến thể buồng tàu hạng VIP dành cho vị chỉ huy Hải quân Liên Xô, Đô đốc Gorshkov, và cho một xí nghiệp từ Kazan. Và, cuối cùng, chúng tôi đã xây dựng "Meteor-2000" theo đơn đặt hàng đặc biệt của Trung Quốc. Tàu này lắp động cơ Đức (MAN hoặc DEUTZ), quạt thông gió với điều hòa không khí và tốc độ nhanh hơn một chút so với mẫu tàu tiêu chuẩn lắp những turbin sản xuất nội địa.
Tất nhiên, giống như bất kỳ công việc nào, trong quá trình xây dựng "Meteor" cũng không thiếu những sự cố ngộ nghĩnh tức cười hoặc phiền nhiễu. Trong cuộc chạy thử nghiệm ra biển của một trong các tàu thủy sản xuất hàng loạt, cánh ngầm đột nhiên bắt đầu cất tiếng "ca hát" khá chối tai. Chúng tôi đã cố gắng rất lâu để hiểu nguyên nhân gây âm thanh lạ, nhiều lần đưa con tàu trở lại ụ, các kỹ sư của nhà máy và chuyên viên từ Viện Trung tâm thủy động lực học (TsAGI) nằm bò dưới con tàu theo đúng nghĩa đen để truy xét kỹ lưỡng. Thế nhưng vẫn không tìm ra lý do và cuối cùng đành thay toàn bộ cánh tàu đen đủi.
Ngoài các khách hàng trong nước, nhà máy cũng đã chế tạo "Meteor" để xuất khẩu: cho Nam Tư cũ, Hungary, Cuba, và như tôi đã nói, cho cả Trung Quốc. Với Việt Nam thì chúng tôi không trực tiếp cung cấp tàu "Meteor", các tàu tới đó đều là đã qua sử dụng. Nhưng hiện nay người Việt Nam dành quan tâm tích cực đến các tàu cao tốc dân dụng hiện đại mà nhà máy sản xuất, có vẻ Việt Nam đã sẵn sàng mua lô lớn".
Trên cơ sở "Meteor" đã đóng các tàu chở hàng "Kometa" lớp "sông-biển" có khả năng phục vụ thủy vận tuyến ven biển với chiều dài đến 230 hải lý, đạt tốc độ 30 hải lý/giờ. Từ năm 1962 đến năm 1992, đã chế tạo 125 tàu tại hai nhà máy, trong đó 34 tàu dành cho khách đặt hàng nước ngoài.
"Kometa" nhanh chóng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Có không ít huyền thoại về độ chắc chắn và khả năng sinh tồn của "Kometa", nhưng đã có trường hợp nổi tiếng chứng tỏ qua thực tế. Do vận động thiếu chính xác của thuyền trưởng, tàu lao hết tốc độ đâm vào rạn san hô, cánh cắt ngang rừng san hô dưới nước giống như lưỡi dao cạo sắc bén, và bay lên bờ mà vẫn không bị thiệt hại gì nghiêm trọng. Các hành khách được mẻ hoảng hồn, nhưng không ai bị xây xát chút nào.
Chỉ vừa đưa "Raketa" và "Meteor" vào vận hành, các chuyên viên đường sông Volga đã đề nghị công ty đóng tàu chế tạo tàu cánh ngầm có thể khả năng nối liền khoảng cách giữa các thành phố lớn của vùng Volga trong chuyến đi một ngày, cả xuất hành và khứ hồi! Và đến năm 1964 đã xuất hiện tàu thí nghiệm turbin khí "Burevestnik". Hai động cơ máy bay với tổng công suất hơn 7.000 mã lực và việc lắp đặt máy phụt nước kép đã có thể đẩy con tàu (thậm chí gọi nó là "tàu" có phần bất tiện không phù hợp lắm) chở 150 hành khách lao nhanh với tốc độ vũ bão 97-100 km/h. Việc đưa "Burevestnik" neo đậu ở bến sông Volga thông thường đòi hỏi vị thuyền trưởng tiến hành các thủ thuật phải chính xác tỉ mỉ như thợ kim hoàn: bởi chỉ sơ xuất một chút là "con thủy quái" có thể đơn giản lôi tuột đi cả bộ neo lẫn cột trụ. Đáng tiếc, vì hàng loạt lý do, "Burevestnik" vẫn chỉ là nguyên mẫu độc nhất. Nhưng nó đã chuyên chở hành khách dọc sông Volga cho đến tận năm 1981, khi tàu bị hao mòn và thuần túy là không có lợi nữa vì giá xăng máy bay đã đắt lên.
Chủ đề tàu cánh ngầm turbin khí được tiếp nối với chiếc "Tsyclon" hai tầng boong, được sáng chế vào năm 1986. Tàu đủ sức chở tới 250 hành khách ở khoảng cách 300 dặm với tốc độ hành tiến lên đến 42 hải lý và hoạt động ở cự ly cách bến cảng hơn 100 dặm biển.
Tàu cao tốc cánh ngầm đã đưa các hành khách trở lại với phương thức vận chuyển đường thủy, phô trương sự tiện lợi và an toàn rõ ràng. Những con tàu kỳ cựu như "Meteor" và "Kometa" cũng như những mẫu tàu cánh ngầm ra đời muộn hơn đang tiếp tục chuyên cần phục vụ trên những dòng sông, hồ lớn, khu chứa nước và trong vùng biển ven bờ của Nga và hàng loạt quốc gia khác. Sự nghiệp của nhà đóng tàu lừng danh Rostislav Alekseev được tiếp nối bằng công tác của Cục Thiết kế Trung tâm về tàu cánh ngầm, bây giờ đã được mang tên công trình sư tài năng. Các tập thể chuyên viên thiết kế của Nga không ngừng làm việc theo đề án tàu cao tốc và những mẫu tàu khác. Chẳng hạn như Phòng Thiết kế "AGAT" Saint-Peterburg đã phát triển mẫu tàu khách cao tốc lướt sóng 150 chỗ A145, được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk xuất xưởng năm 2013. Tổng Giám đốc xí nghiệp, ông Renat Mistakhov khi giới thiệu chiếc tàu mẫu này đã lưu ý:
"Tàu lướt sóng A145 có chức năng thay thế cho cựu chiến binh "Meteor". Đây là kỹ thuật hiện đại đáp ứng tốt tất cả những đòi hỏi về sinh thái và an toàn. Chiều dài của tàu là 35 mét, chiều rộng — 6 mét, mớn nước — 0,8 mét trong chế độ thủy đạo và chỉ 0,4 mét khi lướt. Tầm xa hành tiến là 1.100 km, tốc độ 45 hải lý (khoảng 80 km/h). Tàu có khả năng chạy tự động trong 1 ngày đêm, thủy thủ đoàn gốm 4 người và 2 nhân viên phục vụ hành khách. Các cabin với ghế ngồi của máy bay và hệ thống điều hòa không khí chia thành 8 khoang riêng biệt, thậm chí trong trường hợp bị thủng trong khoang thì tàu vẫn bơi được, giống như tàu ngầm. Tàu được lắp đặt các thiết bị phun nước sản xuất nội địa. Còn động cơ là sản phẩm Đức MTU với công suất 1.400 kW. Dành để phục vụ hành khách có quầy bar —cà phê, các kệ giá đựng hành lý. Tàu được trang bị ba phòng tắm, một trong số này chuyên dành cho người tàn tật. Xin nói thêm là các hành khách khuyết tật có thể di chuyển an toàn thoải mái trên boong tàu bằng phẳng, không có bất cứ điểm nào gồ lên".
Tháng Sáu năm 2017, xuất hiện thông báo dẫn lời Bộ trưởng Vận tải Nga Maxim Sokolov: Nga sẽ tiếp tục sản xuất loại tàu "Kometa"! Nhưng đó sẽ là kiểu tàu công nghệ cao hoàn toàn mới, sản phẩm thiết kế của Cục Thiết kế Trung tâm mang tên Alekseev.
"Kometa-120M" khác với con tàu tiền bối nổi tiếng không chỉ ở vẻ ngoài. Tàu mới có thiết kế cánh ngầm kiểu mới, trạm phát điện tiên tiến và thiết bị định hướng kỹ thuật số, trong kết cấu sử dụng rộng rãi vật liệu composite siêu bền. Để đảm bảo mức độ tiện lợi cao dành cho 120 hành khách, tàu được trang bị hệ thống chống lắc, triệt tiêu độ chòng chành. Vận tốc của "Kometa" mới là 35 hải lý.
Ở tình trạng trên đường tiếp cận sản xuất hàng loạt hiện có mẫu tàu turbin khí-cánh ngầm "Tsyclon-250M", mà thị trường nước ngoài chính yếu có thể là vùng Đông Nam Á.
Nguyên mẫu đầu tiên của chiếc "xe buýt đường sông" mới — con tàu cánh ngầm "Valdai" 45 chỗ ngồi — đã được chế tạo xong và đang chuẩn bị bước vào thử nghiệm.
Lịch sử 60 năm vinh quang thầm lặng sáng tạo và phục vụ của Hạm đội tàu cao tốc Nga đang được viết tiếp những trang mới sinh động hơn, hữu ích và thú vị hơn. Những đôi cánh ngầm tầu cao tốc Nga đang vươn xa chinh phục những vùng nước mới để phục vụ nhân loại.