"Đối với đề xuất của Geleximco muốn hợp tác với đối tác Trung Quốc tham gia xây sân bay Long Thành và những quan ngại từ dư luận, tôi xin trả lời là lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở tiêu chí, có đánh giá, có lựa chọn thông qua đấu thầu. Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư phải kiểm soát tiến độ, giá thành, trên cơ sở hồ sơ đấu thầu".
Theo phản ánh của báo chí, sở dĩ dư luận quan tâm tới đề xuất của Geleximco bởi thời gian qua, không ít dự án có đối tác Trung Quốc tham gia đều lâm vào tình trạng bị nợ vốn hoặc chậm tiến độ, trong khi sân bay Long Thành là một dự án lớn, trong điểm của Việt Nam.
Nói về đề xuất này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai các nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng sân bay Long Thành.
Đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện xong nghiên cứu khả thi về đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông Vận tải đang tuyển chọn tư vấn để nghiên cứu khả thi của sân bay Long Thành.
"Chúng tôi dự kiến rằng triển khai nghiên cứu đến năm 2018 và giữa năm 2019 sẽ trình Chính phủ, theo đúng quy định của Bộ Xây dựng về đầu tư", Thứ trưởng Đông cho hay.
Liên quan đến việc đề xuất đầu tư sân bay Long Thành, ông Đông khẳng định: quan điểm là hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, những người quan tâm đến đầu tư.
"Như tôi nói ở trên, hiện dự án đang trong giai đoạn tuyển chọn, tư vấn, chưa hoàn thành xong nghiên cứu khả thi. Đến khi được Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội thông qua, bước tiếp theo chúng ta mới xem xét lựa chọn đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, thu hút vốn đầu tư vào hạng mục của khối kinh tế tư nhân và đầu tư công theo đúng quy định đầu tư xây dựng của Nhà nước", ông Đông nói.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Thủ tướng, Geleximco đề xuất Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư.
Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, cho hay doanh nghiệp này có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; một số Quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc — công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư, Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân sinh và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hong Kong như IDG…
"Với năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong điều kiện khó khăn về việc thu xếp vốn trên thị trường tài chính hiện nay của các nhà đầu tư khác, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư", Chủ tịch Geleximco kiến nghị.
Lãnh đạo Geleximco cũng nhấn mạnh, với kinh nghiệm triển khai, xây dựng và quản lý đầu tư các dự án về giao thông và cảng hàng không, cũng như khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 —5 năm, giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
Nguồn: VNEconomy