Cuộc họp là một bước quan trọng tiếp theo tăng cường sự tương tác giữa những quốc gia lớn không thuộc thế giới phương Tây, kể từ nay họ sẽ gọi mối quan hệ với nhau là "đối tác chiến lược".
Hội nghị thượng đỉnh đã khẳng định một trong những mục tiêu chính của BRICS là tạo ra trật tự kinh tế quốc tế công bằng và bình đẳng hơn. Lãnh đạo các nước BRICS nhất trí rằng tất cả các nước thành viên BRICS cần phối hợp và thống nhất lập trường trong các vấn đề quốc tế quan trọng, nỗ lực tạo ra một trật tự quốc tế minh bạch và hợp lý hơn. Tuyên bố Hạ Môn đã được một số nhà báo gọi là tuyên ngôn của thế giới đa cực đang dấn bước thay thế Pax Americana. Trong tuyên bố có điểm mục yêu cầu LHQ cải cách, đưa Brazil, Ấn Độ và Nam Phi vào danh sách các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Tất nhiên, đó là những bước tiếp cận mang tính chất toàn cầu, nhưng nên chú ý đến cả quyết định ở Hạ Môn cho những vấn đề thoạt nhìn tưởng mang tính cục bộ nhưng hoàn toàn không hẳn như vậy. Đó là giải quyết xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên cao nguyên Doklam, nơi quân đội hai nước đã có sự đối đầu đầy căng thẳng trong suốt ba tháng qua. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đối đầu này không tránh khỏi dẫn đến xung đột vũ trang.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc — Narendra Modi và Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc hội đàm kéo dài bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS và thỏa thuận chấm dứt cuộc đối đầu, dàn xếp hợp tác, quay trở lại năm nguyên tắc chung sống hòa bình mà hai nước đã đặt nền móng cho mối quan hệ song phương từ năm 1954. Quân đội Ấn Độ đã được lệnh rút lui.
Tồn tại những giả định có cơ sở rằng các bên đã đi tới hòa đàm để không phá vỡ sự thống nhất của BRICS, yếu tố đặc biệt cần thể hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh.
Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của sự kiện này. Chiến tranh không bao giờ là sự kiện tốt đẹp, cuộc chiến giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể trở thành cuộc chiến quy mô lớn với nhiều nạn nhân và những hậu quả tiêu cực cho cả thế giới. Chỉ có thể hoan nghênh sự bình tĩnh chín chắn đến với các chính trị gia Ấn Độ và Trung Quốc, cho dù họ có hành động bởi cả những nguyên nhân mang tính cơ cấu.
Tất nhiên, chỉ thời gian mới khẳng định được mức độ bền vững của hòa bình trên biên giới Ấn Độ — Trung Quốc. Cho đến nay, việc phân chia ranh giới đường biên vẫn chưa hoàn thành.
Dù sao chăng nữa, tại Hạ Môn các nhà lãnh đạo của năm quốc gia đã chứng minh khả năng tìm ra các biện pháp xây dựng để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện đại.