Vào ngày thứ ba, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Ibrahim Kalyn cho biết:
"Sau khi Tổng thống Erdogan tiến hành cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Myanmar, chúng tôi đã được phép cử phái đoàn của Cơ quan Hợp tác và Điều phối Thổ Nhĩ Kỳ — tổ chức nhân đạo đầu tiên của nước ngoài — cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo cho Myanmar".
Theo ông, ở giai đoạn đầu tiên gói viện trợ nhân đạo sẽ bao gồm lương thực và quần áo. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến Bangladesh, ông sẽ đến thăm các trại tị nạn của những người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, phó Chủ tịch đảng Saadet (Đảng Hạnh phúc) về các vấn đề chính sách đối ngoại ông Hassan Bitmez bình luận về những hành động của Ankara liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Dù Ankara đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc tế, nhưng, để giải quyết cuộc khủng hoảng này cần phải áp dụng những biện pháp đặc biệt cả về chính trị và kinh tế.
Ông Bitmez lưu ý rẳng, trên thực tế Myanmar đã trở thành đấu trường cho "thanh lọc sắc tộc theo dấu hiệu tôn giáo". Ông nhấn mạnh:
"Trong suốt lịch sử của mình, Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn giúp đỡ cho những người bị áp bức. Gói viện trợ nhân đạo là một bước rất quan trọng, nhưng, trong tình hình hiện nay khi ở đất nước đó diễn ra các hành vi đàn áp tàn bạo, giết người hàng loạt, cũng như thanh lọc theo dấu hiệu tôn giáo và sắc tộc, việc cung cấp lương thực và những nhu yếu phẩm khác là không đủ. Cần phải hiểu rằng, chúng ta đang nói về việc quân đội Myanmar tiến hành các chiến dịch càn quét, giết hại thường dân, người dân buộc phải chạy trốn khỏi nước để cứu mạng mình. Và điều đó cho thấy rằng, cần phải có những nỗ lực kiên quyết hơn để giải quyết vấn đề".
Theo ông Bitmez, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một bước đúng đắn khi kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar. Ông nói:
"Thổ Nhĩ Kỳ đã hướng tới Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp, ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, mà Ankara hiện đang làm chủ tịch. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tiến hành nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Hồi giáo. Song, trong tình huống này điều quan trọng nhất là triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để thảo ra kế hoạch hành động cụ thể".
Theo ông Bitmez, cộng đồng quốc tế không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, và cuộc xung đột tiếp tục leo thang:
"Các nhà lãnh đạo Myanmar có cách cư xử tương tự như vậy vì họ không thấy có một phản ứng nào từ phía cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc và phương Tây. Về phần mình phương Tây tiếp tục đưa ra những tuyên bố giả nhân giả nghĩa. Khi nói về những nạn nhân người Hồi giáo, các nước phương Tây hành xử theo câu nói nổi tiếng: "đối với phương Tây, người Hồi giáo tốt chỉ là người Hồi giáo chết". Trong khi đó, khi những quả bom nổ ở Paris, họ ngay lập tức đoàn kết lại và đưa ra những tuyên bố lên án các hành động như vậy", ông Bitmez nhấn mạnh.
Ông Bitmez nói, hiện nay các cầu thủ từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực Trung Đông, ở đây vẫn có nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết. Nếu Chính phủ Myanmar chưa hiểu thế nào là đối thoại và các biện pháp ngoại giao, cần phải tìm kiến những biện pháp khác để giải quyết vấn đề.
"Điều quan trọng nhất ở đây là không cho phép phương Tây sử dụng chiến lược ưa thích của họ. Ở tất cả các quốc gia nơi có sự can thiệp của Hoa Kỳ, Washington cũng đã sử dụng những phương pháp sánh được với những vụ thảm sát mà khu vực này đã hứng chịu trước cuộc xâm lăng của họ. Chúng tôi đã thấy điều này ở Iraq, Afghanistan và một số quốc gia khác. Không được để Myanmar lặp lại số phận của các quốc gia đó. Vì thế cần phải ngăn chặn nỗ lực của các thế lực chạy theo lợi thế riêng và can thiệp vào quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng", — ông Bitmez kết luận.