Có hai cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, tờ Los Angeles Times khẳng định. Một cuộc chiến đã diễn ra trong rừng rậm, trong các làng mạc và trên bầu trời Việt Nam và đã kết thúc trong năm 1975. Và cuộc chiến thứ hai đang diễn ra trong xã hội Mỹ và trong báo chí Mỹ. Ở đây diễn ra các trận đánh giữa những hồi ức của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam — cuộc chiến tranh mà Mỹ đã bị thất bại lần đầu tiên trong lịch sử đất nước. Những nguyên nhân và hậu quả, những sai lầm và lừa đảo, những người anh hùng và những đối thủ của họ — tất cả điều này đang được thảo luận trong giới truyền thông của Mỹ và các đồng minh của họ. Và bộ phim tài liệu dài 10 tiếng của đạo diễn Ken Burns sắp ra mắt khán giả sẽ khiến cho những trận đánh trở thành gay gắt hơn.
Dưới lòng đất Việt Nam vẫn còn chất chứa đầy bom, mìn nhắc nhở về hậu quả nguy hiểm của chiến tranh, tờ USA TODAY nhận xét. Ước tính 800 nghìn tấn bom đạn còn sót lại sau cuộc chiến tranh đã kết thúc vào năm 1975. Đến nay, bom mìn tồn đọng phát nổ làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương. Ví dụ, ở tỉnh Quảng Trị trên 80% diện tích đất vẫn còn dày đặc bom mìn, hậu quả chiến tranh kìm hãm sự phát triển của tỉnh này. Hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại đang được tiến hành, nhưng, theo những dự báo lạc quan nhất, sẽ phải mất nửa thế kỷ để hoàn tất các công việc này.
Một bài dài trên tờ War Is Boring nói về hoạt động của CIA tại Việt Nam. "Trong những năm đầu của cuộc chiến, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ Tướng Westmoreland đã xem xét quân đội miền Bắc Việt Nam như "những kẻ bắt nạt với xà beng", còn du kích Việt Cộng và các nhà lãnh đạo chính trị của họ chỉ đơn giản là "những con mối" có thể bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng ", tác giả bài báo viết và kể lại về những nỗ lực không thành công của người Mỹ, về những tội ác và những hình thức tra tấn dã man mà CIA đã sử dụng ở Việt Nam.
Times of India giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, trong đó ông đại sứ so sánh những hành động của Trung Quốc trong vùng Biển Đông và cuộc đối đầu gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên cao nguyên Doklam. Bài báo ghi nhận vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam.
Và bây giờ một số chủ đề về kinh tế và xã hội. Nikkei Asian Review phàn nàn rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam đang chậm chạp, và điều đó cản trở sự phát triển của đất nước. The Edge Markets MY đưa tin về cuộc đình công của 6.000 công nhân tại một nhà máy sản xuất mặt hàng may mặc ở phía bắc Việt Nam. Những người đình công đòi tăng mức lương và cải thiện điều kiện làm việc. VietNamNet có bài viết, trong đó tác giả lại một lần nữa thuyết phục mọi người về hiệu quả thấp của các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số phương tiện truyền thông nước ngoài thông báo về việc ở Việt Nam đã thành lập khu bảo tồn voi — loài đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Các tờ báo tiếng Anh của Việt Nam công bố Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2017 và thông báo rằng, đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam sẽ tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Kết thúc bài điểm qua là một tin thú vị. Theo cuộc khảo sát Expat Insider 2017, Việt Nam được công nhận là nước có chi phí rẻ nhất thế giới với người nước ngoài, VnExpress International cho biết. Đây là thêm một yếu tố tích cực tác động đến sự phát triển nhanh chóng của đất nước.