Vấn đề lớn nhận được nhiều ý kiến tập trung thảo luận là mô hình tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến việc có hay không HĐND và UBND.
Trao quyền cực lớn cho người đứng đầu?
Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND). Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị HCKTĐB, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế — xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB.
Trưởng Đơn vị HCKTĐB, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị HCKTĐB chịu sự giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị HCKTĐB.
"Hơn nữa, nếu dự thảo Luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực" — báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu rõ.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng — An ninh Võ Trọng Việt nêu quan điểm đồng tình với phương án của Chính phủ là nên trao quyền cho Trưởng Đơn vị nhưng quy định rõ người này được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm ra sao.
Nhấn mạnh bộ máy đầy đủ mà không cải tiến, cải tổ thì lại quay về như cũ, không có gì là "đặc biệt", vị đại biểu Quốc hội này lưu ý luật quy định phải tránh "cha chung không ai khóc" hay trách nhiệm người đứng đầu không rõ, giám sát yếu dẫn đến "một mình che cả bầu trời". Cùng với đó là loại bỏ sự bình quân chủ nghĩa, dốt như giỏi, thậm chí có nơi dốt lộng hành.
"Tránh trước nói thì hay nhưng cũng là cơ chế, bộ máy, lề lối, phương pháp, con người ấy thì làm sao thay đổi. Thay vỏ phải thay ruột thì mới được" — ông Võ Trọng Việt nêu quan điểm.
Không đột phá, vượt trội thì gọi gì là "đặc biệt"
Cùng với đó là bộ máy phải vô cùng gọn nhẹ. Một người có thể được trao quyền rất lớn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng lợi ích cá nhân. Như Tổng Bí thư nói là "nhốt" quyền lực trong lồng luật pháp.
"Cá nhân tôi thấy nếu trực thuộc cấp tỉnh thì lại khu kinh tế như ngày xưa thôi. Theo tôi nên trực thuộc Trung ương" — Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Cũng bày tỏ đồng tình với phương án Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói: "Phải đột phá, cơ chế phải thoáng, còn tổ chức như những nơi khác thì cuối cùng cơ chế vẫn thế, lại khó! Quan trọng là đảm bảo nguyên tắc không trái Hiến pháp, linh hoạt gắn với chức năng và đảm bảo giám sát".
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quy định trong luật này phải có tính đột phá, vượt trội thì mới "đặc biệt", mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ.
"Quy định của luật này có thể khác, trái luật khác nhưng không thể trái Hiến pháp và phải cụ thể hoá, quán triệt chủ trương của Đảng về vấn đề này" — Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị tiếp tục lấy ý, nghiên cứu quy định liên quan mô hình tổ chức chính quyền. Nếu cần có thể sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự đột phá trong luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt.
Nguồn: VOV