Ở tỉnh miền Tây xa xôi Sóc Trăng, một doanh nghiệp cũng đã âm thầm nhập robot về để sản xuất bánh pía, một đặc sản truyền thống nổi tiếng của địa phương. Một lãnh đạo tỉnh này kể, có vài cơ quan chức năng băn khoăn vì sao doanh nghiệp lại nhập robot về sản xuất mà không tuyển dụng lao động. "Khi chúng tôi tìm hiểu, vị chủ doanh nghiệp này cho biết, sản phẩm của họ xuất khẩu sang 12 thị trường nước ngoài nên đòi hỏi chất lượng vệ sinh rất cao. Vì thế, họ không sử dụng nhân công". Tuy nhiên, vị quan chức không cho biết tên doanh nghiệp này, vì doanh nghiệp đề nghị giấu tên.
Hai ví dụ rất nhỏ ở trên cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu hiện diện rõ ràng như thế nào vào đời sống ở Việt Nam. Trên nền tảng Internet, người dân có thể đặt vé, thuê khách sạn, check-in tàu, máy bay, trả phí tự động, đổi bằng lái xe, xin cấp hộ chiếu cho đến bán hàng qua Internet hay thực hiện các giao dịch Mobile Banking.
Những thực tế đó đang làm đau đầu các nhà quản lý ở Việt Nam. Cho dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chẳng mấy người ở Việt Nam biết rõ câu chuyện này. "Cả các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam đều đang lo lắng với cách mạng công nghiệp 4.0 vì cuộc cách mạng này ảnh hưởng tới nhiều lao động. Các chuyên gia đánh giá hơn 80% lao động sẽ bị ảnh hưởng trong khi Việt Nam lại là nước đang thâm dụng nhiều lao động", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận trong một cuộc họp báo tuần trước ở Hà Nội để giới thiệu về Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam dưới sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương Đảng.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giày ngay tại chỗ, và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác. Báo cáo "ASEAN trong chuyển dịch cơ cấu: Công nghệ đang làm việc làm và doanh nghiệp thay đổi như thế nào" của ILO công bố tháng 7-2016 dự báo, đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ trên.
Trong một bài phân tích gửi đến Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Nam đặt hai vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam hiện đang tiến hành công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu và FDI thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa này có còn phù hợp với Việt Nam nữa không? Nếu xuất khẩu và FDI thâm dụng lao động không còn là động lực chính nữa, thì sẽ chọn yếu tố gì làm động lực chính cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam? Thứ hai, muốn tranh thủ được cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết cần đặt phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước vào dòng chảy của cuộc cách mạng này. Do đó, vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ mạnh dạn đầu tư đi thẳng vào những ngành, lĩnh vực gì của cách mạng công nghiệp 4.0 để bắt nhịp với dòng chảy cuộc cách mạng này?
Ông Nam cho rằng, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn cũng đặt ra thách thức rất lớn về đổi mới, cải cách trong nước. "Nếu không quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học — công nghệ, nguy cơ tụt hậu là rất lớn".
Chậm đổi mới ngày nào, Việt Nam không chỉ bỏ lỡ thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0, mà có thể sẽ gánh chịu hệ quả tiêu cực của cuộc cách mạng này như sa lầy ở vị trí bất lợi trong phân công lao động quốc tế mới đang hình thành; hứng chịu hệ lụy của làn sóng di chuyển các ngành/ công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng và không thân thiện với môi trường ra bên ngoài do nhiều nước đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới công nghệ.
Việc làm ở Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
Báo cáo "ASEAN trong chuyển dịch cơ cấu: Công nghệ đang làm việc làm và doanh nghiệp thay đổi như thế nào" của ILO công bố tháng 7-2016 được thực hiện trên cơ sở khảo sát tại năm nước ASEAN là Campuchia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đối với năm lĩnh vực gồm: sản xuất và lắp ráp ô tô; điện và điện tử; dệt may và giày da; kinh doanh thuê ngoài và bán lẻ. ILO kết luận, thời đại sử dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất đã trở thành một thực tế tại các nước ASEAN. Trong trường hợp Việt Nam, ILO dự báo, trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Rủi ro cao là có xác suất bị thay thế trên 70%; rủi ro trung bình có xác suất bị thay thế từ 30-70% và rủi ro thấp có xác suất bị thay thế dưới 30%. Có rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bằng các hệ thống, máy móc tự động hóa.
Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: nông, lâm và thủy sản (với 83,3% số việc làm có rủi ro cao); công nghiệp chế bến, chế tạo (74,4% số việc làm có rủi ro cao); bán buôn, bán lẻ (84,1% số việc làm có rủi cao). Ngay cả công việc trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống ở Việt Nam với đặc điểm là lao động thủ công và có tính lặp đi lặp lại cao cũng có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc và thiết bị tự động. Những nghề có rủi ro cao là: trồng trọt (khoảng 13,7 triệu việc làm); chăn nuôi (gần 3,2 triệu việc làm); làm vườn (1 triệu việc làm); đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (0,84 triệu việc làm)…
Nguồn: thesaigontimes.vn