Thay đổi dễ nhận thấy nhất về cấu hình vũ trang so với cặp đầu tiên là ở bên hông tàu có một khoảng hở để lắp đặt ống phóng đôi của ngư lôi săn ngầm hạng nặng cỡ 533 mm.
Tính đến lúc này chưa có thông tin rõ ràng về chủng loại ngư lôi mà chiếc Gepard trên được trang bị, tuy nhiên một khả năng được đưa ra là nó sẽ dùng "hàng nội địa".
Đây là bước đi quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ Quốc phòng "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí dưới nước theo mẫu của nước ngoài".
Theo kết luận Hội thảo của Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái thì vũ khí dưới nước do Viện Kỹ thuật Hải quân nghiên cứu sẽ có động cơ, hệ thống điện, hệ thống điều khiển… và không kém hơn về các thông số so với sản phẩm mẫu.
Còn trước đó vào tháng 4/2017, Kênh truyền hình Quốc phòng đưa tin, dựa trên những tiến bộ thu được về công nghệ thủy âm, cảm biến vi cơ và công nghệ điện tử, Viện Kỹ thuật Hải quân đã chế tạo thành công đầu tự dẫn của ngư lôi, có thể thay thế sản phẩm cũ với tham số kỹ chiến thuật và độ tin cậy không thua kém hàng ngoại nhập, giúp ngư lôi gia tăng khoảng cách và độ chính xác trong phát hiện mục tiêu.
Theo hình ảnh công khai, đây là loại đầu tự dẫn của ngư lôi săn ngầm hạng nặng cỡ 533 mm, cùng cỡ với ngư lôi trang bị cho tàu hộ vệ Gepard 3.9.
Căn cứ vào hai "mối nối" trên, có đầy đủ cơ sở để hy vọng rằng trong tương lai, Gepard 3.9 Việt Nam sẽ được trang bị ngư lôi 533 mm nội địa, thậm chí xa hơn là thay thế tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E bằng KCT-15.
Nguồn: Báo Đất Việt