Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017: Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân — Cầu Giẽ là 18,7 tỷ đồng.
Kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị 316,2 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân — Cầu Giẽ là 55,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.
Riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân — Cầu Giẽ, dự án chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.
Trước thực trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng — nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói rất thẳng thắn:
"Trong nền kinh tế thị trường, người mua có quyền lựa chọn, người mua là thượng đế. Tuy nhiên, tại các dự án BOT, khách hàng, người mua đã bị biến thành nô lệ.
Trước đó, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên — Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết:
"Những méo mó trong đầu tư BOT giao thông xuất phát từ vấn đề mời thầu, phê duyệt dự án đến giám sát dự án. Mỗi giai đoạn dự án BOT giao thông đều cho thấy trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải".
Theo quy định, cứ 70Km đặt một trạm thu phí, nhưng thực tế theo số liệu từ Bộ Giao thông vận tải, cả nước có 86 trạm thu phí thì 9 trạm có khoảng cách từ 60-70km; 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60km; cá biệt tại một số tuyến đường, trạm thu phí dày đặc.
Qua thực tế khảo sát, ông Liên dẫn chứng, đi từ Hà Nội — Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu phí.
Hay như trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 từng xảy ra chuyện người dân đi bên này cầu sang bên kia cầu phải "cõng phí" 25km đường tránh Thành phố Vinh và hoàn phí cho 50km đường Bến Thủy — Hà Tĩnh.
Mới đây là trạm thu phí trên đường 5 cũ từ Hà Nội đi Hải Phòng cũng bị nhiều tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ.
Họ bức xúc vì dù con đường này đã cũ và xuống cấp nhưng phí lại tăng lên, được lý giải là để trả lãi cho đường cao tốc 5b.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm ở nhiều dự án BOT, rút ngắn được thời gian thu phí tới 100 năm.
Trước những vấn đề bất cập được chỉ ra tại nhiều dự án BOT giao thông, ông Bùi Danh Liên khẳng định, ngoài trách nhiệm chung của Bộ Giao thông Vận tải thì có trách nhiệm riêng của ông Đinh La Thăng ở cương vị Bộ trưởng thời gian này.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy — nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nói thẳng:
"Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì dự án BOT giao thông được làm cách xô bồ, làm một cách đại trà vô nguyên tắc".
Tiến sĩ Thủy nêu thí dụ cụ thể là Quốc lộ 1A bị "băm" ra làm nhiều khúc để thực hiện các dự án BOT và hậu quả là sau khi không còn chịu đựng nổi nữa thì thời gian vừa qua người dân đã phản ứng rất mạnh mẽ khi qua các trạm BOT bằng cách trả tiền lẻ.
Ông Thủy cũng chỉ ra những bất cập của các dự án BOT giao thông như: Suất đầu tư dự án BOT quá cao, mật độ trạm thu phí BOT quá dày và cuối cùng việc thu phí thủ công gây thất thoát trong quá trình thu phí.
"Khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra phát hiện sai xót trong đó quan trọng nhất là định giá quá cao, thời hạn thu phí sai, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến tự tung tự tác", ông Thủy đánh giá.
Công tác cán bộ cũng nhiều dấu hiệu bất thường
Trong đó phải kể tới vụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải vào năm 2015, mặc dù ông này đã thi trượt Chuyên viên Chính vào năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức.
Điều đáng nói là khi ban hành Quyết định số 3688 ngày 15/11/2013 có kèm theo quy định khi xét bổ nhiệm Vụ trưởng và tương đương phải có trình độ "Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên".
Thế nhưng cũng chính Bộ Giao thông Vận tải cho phép ông Sang "nợ" tiêu chuẩn (thực chất đã thi trượt), tức là vi phạm chính Quyết định số 3688.
Khi vụ việc này được phơi bày thì Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải — ông Nguyễn Ngọc Đông vẫn cố lý giải rằng:
"Đồng chí có tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính vào năm 2014, theo kết quả của Bộ Nội vụ công bố là đạt, nhưng số lượng chỉ tiêu năm đó có hạn chế".
Cách giải thích ngô nghê của ông Đông khiến dư luận phản ứng ngay sau đó với câu hỏi: Ông Sang thi trượt chuyên viên chính, tại sao vẫn nói thi đạt? Đã thi đạt thì tại sao năm 2016 ông Sang phải thi lại?
Liệu có ai được coi là Cử nhân khi không được cấp bằng tốt nghiệp Đại học? Liệu có ai được gọi là Tiến sĩ khi chưa có bằng Tiến sĩ?
Nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng — nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng:
"Không thể tùy tiện trong công tác cán bộ. Lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là để làm việc cho dân, cho nước cho nên phải đánh giá công tâm chứ không thể có chuyện thích ai thì đưa người ấy".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị:
"Phải có công bố chính thức, công khai, minh bạch, nếu cán bộ đủ tiêu chuẩn thì khẳng định rõ ràng còn nếu không đủ tiêu chuẩn phải thì phải xử lý".
Theo bà An, Bộ Giao thông Vận tải hay bộ, ngành nào khác cũng không được phép ban hành quy định riêng, lách luật khi bổ nhiệm cán bộ. Ai đã làm sai thì bây giờ các cơ quan quản lý phải xem xét, xử lý trách nhiệm. Không thể để tồn tại mãi cái khẩu hiệu ‘đúng quy trình'.
Bà An đề nghị: "Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần phải vào cuộc kiểm tra, kịp thời làm rõ tất cả những băn khoăn của dư luận xã hội; vừa để giữ gìn thanh danh cho cán bộ, đồng thời cũng nghiêm khắc xử lý sai phạm của cán bộ.
Như Tổng Bí thư đã nói thì chẳng thích thú gì khi phải kỷ luật cán bộ mà trái lại còn khổ tâm, xót xa, nhưng phải kiên quyết thực hiện vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Nếu không làm cho thật minh bạch thì sau này còn nhiều trường hợp khác bổ nhiệm cũng gây ra điều tiếng xấu, đấy là vấn đề Đảng ta phải kiên quyết đấu tranh".
Không chỉ việc bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải gây bức xúc dư luận, mà tại đơn vị này còn có chuyện bổ nhiệm Cục phó Nguyễn Đình Việt cũng gây lùm xùm một thời gian dài và chưa có hồi kết.
Theo phản ánh từ Báo Thanh niên ngày 17/12/2016, bài "Tốt nghiệp "đại học ngắn hạn" vẫn được bổ nhiệm Cục phó" thì ông Nguyễn Đình Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học.
Quyết định tốt nghiệp của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ghi rõ ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 — 1991; tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ "đại học ngắn hạn" của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ bằng "đại học ngắn hạn" và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.
Như vậy, ông Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm Cục phó khi chưa có bằng đại học như quy định của chính Bộ Giao thông Vận tải.
Một trường hợp khác là ông Hoàng Hồng Giang được tham gia thi tuyển cùng 4 Cục phó và một Hiệu trưởng khác vào chức vụ Cục trưởng đường thủy.
Kết quả là ông Hoàng Hồng Giang đã trúng tuyển với số điểm cao hơn người đứng thứ 2 chỉ 0,17 điểm (thang điểm tối đa là 100 điểm), để sau đó "nhảy cóc" từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng.
Ông Giang chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Dù Bộ Giao thông Vận tải cho nợ tiêu chuẩn khi bổ nhiệm, nhưng Bộ Nội vụ vẫn không cho ông Giang thi tuyển Chuyên viên chính trong kỳ thi năm 2016 vừa qua do chưa phải là chuyên viên.
Vào lúc này, khi mà Chính phủ đang phải rất vất vả để giải quyết sai phạm ở các dự án BOT và công tác cán bộ, không biết ông Đinh La Thăng có mảy may nghĩ đến trách nhiệm của mình?
Thông tin tham khảo:
http://thanhnien.vn/thoi-su/tot-nghiep-dai-hoc-ngan-han-van-duoc-bo-nhiem-cuc-pho-774911.html
http://congluan.vn/ong-hoang-hong-giang-dang-ngoi-nham-ghe/
Nguồn: Báo Giáo Dục Việt Nam
Link: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Di-san-cua-ong-Dinh-La-Thang-BOT-va-cong-tac-can-bo-post179643.gd