Trả lời câu hỏi liệu có thể coi diễn biến ở Myanmar như là cuộc "thanh lọc sắc tộc" hay chăng, ông Guterres đáp: "Khi 1/3 người Rohingya phải rời khỏi đất nước, thì ta có thể định tính sự việc bằng từ nào khác nữa?".
Tổng Thư ký Guterres gọi tình hình nhân đạo ở đất nước này là "thảm hoạ" và ông kêu gọi "toàn thể các nước hãy làm tất cả những gì có thể" để dành hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi chính quyền Myanmar đình chỉ hoạt động chiến sự, tuân thủ quy định pháp luật thượng tôn và đảm bảo cho dân tỵ nạn trở lại, cũng như tạo điều kiện để cung cấp viện trợ nhân đạo.
Xung đột ở bang Rakhine giữa sắc dân Rohingya và người bản địa tại bang này, bao gồm các cư dân họ hàng của dân tộc gốc chủ thể Myanmar — người Birma và các tín đồ Phật giáo — là hiện tượng tồn tại nhiều thập kỷ nay. Đà leo thang xung đột bắt đầu với việc quyền lực ở Myanmar chuyển giao từ phái quân sự sang cho Chính phủ dân sự và xúc tiến cải cách dân chủ.
Lực lượng quân đội và an ninh đã tiến hành chiến dịch trấn áp các chiến binh kể từ cuối tháng Tám. Chiến dịch bắt đầu sau khi vào ngày 25 tháng Tám các chiến binh phối hợp tấn công vào một số đồn cảnh sát và doanh trại quân đội ở bang Rakhine. Nạn nhân bạo loạn là hơn 400 người, có khoảng 370.000 người đã chạy trốn sang Bangladesh.