3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) cho rằng việc bị cáo Danh có tội hay không phải đặt trong tổng thể việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín giữa 3 bị cáo: Hà Văn Thắm — Hứa Thị Phấn — Phạm Công Danh.
"Sai lầm chết người"
Trong các ngày xét xử vừa qua, bị cáo Danh khai nhận đã nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn với giá 4.500 tỉ đồng, mục đích không phải để mua ngân hàng mà để mua các bất động sản của khoảng 30 doanh nghiệp đang thế chấp tại ngân hàng.
Ông Danh nghĩ các lô đất này rất có giá trị và khi thị trường bất động sản tốt lên, ông sẽ bán được với giá hời.
Bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã lâm vào cảnh tù tội, mất hết tài sản tích lũy được sau hơn 50 năm từ doanh nghiệp truyền thống của gia đình.
"Đây là sai lầm chết người của ông Phạm Công Danh. Vì thực tế số tài sản nói trên không chuyển nhượng được. Lý do vì 30 doanh nghiệp không ủy quyền cho bà Hứa Thị Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho ông Danh. Trong khi ông Danh đã thanh toán 3.658 tỷ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn để thực hiện việc chuyển nhượng ngân hàng".
Theo lời luật sư Phan Trung Hoài, khi không đủ khả năng rót tiền vào Ngân hàng Đại Tín để tái cơ cấu, ông Danh đã mang hồ sơ đến báo cáo Ngân hàng Nhà nước thì được Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước động viên rằng ‘không phải lập ngân hàng mới mà chỉ là tái cơ cấu ngân hàng cũ".
Sau khi được động viên, Phạm Công Danh đã tiến hành phương án tái cơ cấu và đổi tên Ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng Xây dựng (VNCN).
Trong các ngày xét xử vừa qua, luật sư Phan Trung Hoài đã đặt nhiều câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước liên quan quá trình triển khai, phê duyệt và thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
Luật sư Hoài đặt vấn đề: Việc chuyển nhượng ngân hàng từ nhóm bà Hứa Thị Phấn cho nhóm ông Phạm Công Danh có nội dung và hình thức vi phạm pháp luật. Vậy trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước ở đâu?
Hồ sơ sai phạm, Ngân hàng Nhà nước vẫn chấp thuận?
"Đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời không có chức năng đánh giá hợp đồng dân sự giữa hai bên, nhưng hiệu lực pháp lý của thỏa thuận này có giá trị hay không mới là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Hậu quả phát sinh từ vụ án Ngân hàng Xây dựng và vụ án OceanBank, theo chúng tôi có phần liên đới đến trách nhiệm quản lý của cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước", Luật sư Hoài nhận định.
Ông Hoài cũng dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa ban hành vào ngày 1-9 với nội dung "chất lượng các cuộc thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2010-2015 là bị động và có nhiều vi phạm".
Đó là một trong các nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến việc bị cáo Phạm Công Danh phải mượn một số tài sản của bà Hứa Thị Phấn để vay của OceanBank 500 tỉ đồng với mục đích tái cơ cấu ngân hàng.
Từ đó, Phạm Công Danh lại bị vướng từ đại án này đến đại án khác.
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao nhận định hành vi của Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu đồng phạm với Hà Văn Thắm về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến khoản vay 500 tỉ đồng. Hiện nay, khoản vay này chưa thu hồi được cho OceanBank.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.
Nguồn: Tuổi Trẻ