"Một người dân bình thường, một đảng viên, lãnh đạo cấp phường cũng luôn phải đề cao sự trung thực. Nhưng những cán bộ lãnh đạo cao nhất ở một thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng còn vi phạm, thiếu gương mẫu thì rất đau xót", ông Hùng nêu rõ.
‘Bị thao túng thì không thể công tâm, dân chủ'
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định những khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật. Vậy quy trình thi hành kỷ luật những vị này sẽ diễn ra như thế nào?
— Sau khi kết luận các vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ gặp và thông báo cho ông Nguyễn Xuân Anh để đương sự làm bản kiểm điểm. Đây là quy trình dân chủ của đảng vì người bị kỷ luật có quyền nêu chính kiến của mình trong bản kiểm điểm. Tiếp đó, bản kiểm điểm sẽ được trình lên Bộ Chính trị để Bộ Chính trị xem xét.
Bộ Chính trị sẽ họp xem xét, cho ý kiến về hình thức kỷ luật theo các mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức và nặng nhất là khai trừ khỏi đảng.
Bộ Chính trị cũng báo cáo ý kiến hình thức kỷ luật để Trung ương tham khảo. Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận rồi đưa ra quyết định kỷ luật.
Đối với ông Huỳnh Đức Thơ, do chủ tịch UBND cấp tỉnh là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên việc xem xét kỷ luật với hình thức cụ thể sẽ do cơ quan này xử lý sau khi có đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Ông bình luận gì về những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư cấp tỉnh trẻ nhất của nhiệm kỳ này?
— Trước tiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu việc Bí thư Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Bác Hồ đã dặn "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Một bí thư thành ủy trực thuộc Trung ương không giữ gìn được sự đoàn kết đó, thật là điều đáng đau xót.
Tiếp đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu việc ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp. Đây là hai vi phạm cụ thể khiến dư luận chú ý bởi nó liên quan tới phẩm chất đạo đức của một đảng viên.
Mất đoàn kết nội bộ do chủ nghĩa cá nhân
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận những vi phạm của cả Bí thư và Chủ tịch UBND Đà Nẵng. Vậy trong quá trình công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương ông đã từng chứng kiến trường hợp tương tự?
— Trong lịch sử của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã từng kiểm tra và giải quyết việc bí thư và chủ tịch một số tỉnh thành mất đoàn kết. Tuy nhiên tôi không tiện nêu tên cụ thể vì có người đã khuất.
Trước thực tế mất đoàn kết tại một số địa phương, Trung ương từng phải điều một bí thư tỉnh làm chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng và chủ tịch tỉnh về làm chuyên viên của Văn phòng Chính phủ.
- Vậy căn nguyên của những vi phạm trên là gì thưa ông?
— Việc mất đoàn kết có mầm mống từ chủ nghĩa cá nhân. Nội bộ của chính những người lãnh đạo Đà Nẵng có vấn đề. Một phần do công tác chuẩn bị cán bộ không đầy đủ nên xảy ra tình trạng cán bộ kém năng lực, không đủ tư cách nhưng vẫn được cơ cấu để làm lãnh đạo.
Từ mâu thuẫn nội bộ đó mới nảy sinh ra nhiều sai phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, rồi sai phạm trong tổ chức cán bộ, thậm chí còn trù dập cán bộ…
Tôi cho rằng câu chuyện của lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng sẽ là bài học cho lãnh đạo những địa phương khác tránh mắc phải những vi phạm như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Anh chưa đủ độ chín về mặt chính trị
Trong bài viết trên VOV, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định: "Ông Nguyễn Xuân Anh rõ ràng chưa đủ độ chín về mặt chính trị. Đưa ông lên làm Bí thư của một trong những thành phố năng động nhất của đất nước là rất "chín non".
Vấn đề là tại sao một người chưa đủ độ chín như vậy lại được đưa lên giữ một trong những chức tước quan trọng nhất của hệ thống? Rõ ràng, quy trình nhân sự của chúng ta là rất có vấn đề. Việc bỏ qua quá nhiều tiêu chuẩn cho các "thái tử" có thể là vấn đề lớn nhất ở đây", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nêu vấn đề.
Nguồn: Zing