Mẹ lấy chồng năm… 2 tuổi?!
Tại trang 32 cuốn sách "Madam Nhu Trần Lệ Xuân — Quyền lực bà rồng" có chi tiết cho rằng năm sinh ghi trên bia mộ của công chúa Thân Thị Nam Trân (mẹ bà Lệ Xuân), và năm được ghi trong giấy báo tử năm 1986 ở Sở cảnh sát Metropolitan là 1910, năm 1924 bà Nam Trân hạ sinh Trần Lệ Xuân, trước đó chừng 2 năm đã sinh Trần Lệ Chi. Vậy hóa ra, nếu căn cứ theo đó, bà Chương lấy chồng khi mới chỉ mới… 2 tuổi và năm 12 tuổi đã có thể sinh con?
Tác giả cũng như nhiều độc giả cuốn sách đã đưa ra 2 lý giải: một là do năm sinh trên giấy tờ tùy thân của nhân vật có sai lệch, hai là do những phong tục, lề lối xưa trong việc dựng vợ gả chồng còn kéo dài đến tận thời bấy giờ.
Bà Nam Trân đã chống lại hủ tục nhuộm đen răng bằng chất canxi oxit. "Với những trưởng lão trong gia tộc, nụ cười trắng tinh của bà trông gớm ghiếc, như thể một chiếc miệng đầy xương. Những chiếc răng trắng và dài thuộc về những kẻ man rợ và dã thú; nhuộm đen chúng để né tránh những nỗi sợ hãi rằng một linh hồn tà ma đã lẩn lút đâu đó trong con người. Một cái miệng với hàm răng đen bóng là biểu hiện truyền thống của sự tao nhã và cái đẹp. Nhưng với ông Chương, nụ cười trắng sáng rạng rỡ khiến cô dâu trẻ của ông là một hình ảnh hoàn hảo của người vợ hiện đại", một đoạn miêu tả bà Chương trong cuốn sách.
"Những cô gái ở miền thôn quê được gả chồng vào độ tuổi rất bé, có lẽ mười ba hay mười bốn, không phải là chuyện lạ thường, nhưng hiếm có một cô dâu nào lại chỉ là đứa bé mới chập chững. Điều đó thậm chí càng khó có cơ sở khi xét đến sự kiện cả hai gia đình đều là những thế gia tinh anh; họ có khả năng để chờ đợi. Một cách giải thích hợp lý là ngày sinh của bà Chương đã được sửa đổi, cho phép bà ở trong một độ tuổi dễ dàng được yêu chiều ở Hoa Kỳ, tránh xa mọi kẻ có thể phản bác những gì bà kể lại. Nhưng ở Việt Nam tuổi tác làm gia tăng uy tín. Người ta ắt không có lý do gì để cố làm ra vẻ trẻ trung cả. Có thể bà Chương thật sự là một cô dâu hai tuổi. Phải một thời gian rất lâu sau đám cưới, các anh họ trong hoàng tộc của bà mới bắt đầu có gia thất. Con gái đầu lòng của họ, Lệ Chi, ra đời gần một thập niên sau ngày cưới. Có lẽ cô dâu bé nhỏ cần thời gian để đạt đến độ tuổi thụ thai", tác giả Monique Brinson Demery cũng đưa ra lý giải.
Cha cưới vợ năm 14 tuổi?!
Chưa hết "giật mình" với chi tiết về "cô dâu 2 tuổi" thì nữ tác giả người Mỹ Monique Brinson Demery lại tiếp tục khiến độc giả sững sờ trước chi tiết bố của bà Trần Lệ Xuân vẫn chỉ là một thiếu niên vào ngày cưới của mình.
"Ông sinh năm 1898, nghĩa là mới 14 khi cưới vợ. Ông Chương là con trai cả của Trần Văn Thông, một quan thống đốc tỉnh được trọng vọng ở Bắc Kỳ thuộc Pháp. Theo hồ sơ của ông trong thư khố thuộc địa Pháp, ông Chương đã rời khỏi Việt Nam lẫn cô vợ trẻ của ông không lâu sau lễ cưới. Ông đã đến Pháp và Bắc Phi để tiếp tục học tập", tác giả cuốn sách viết.
Nếu vợ ông Trần Văn Chương một mực chống lại hủ tục nhuộm răng đen thì ông cũng hiện đại đến mức ưa thích rượu vang, phim Tây phương, xe mô tô… đồng thời cắt phăng mái tóc dài cột thành búi, đội khăn xếp như truyền thống thay bằng tóc ngắn, âu phục.
Cũng theo cuốn sách này thì khi ông Chương quay trở lại Việt Nam vào năm 24 tuổi sau đó nhập quốc tịch Pháp vào ngày 16.9.1924, không đầy một tháng sau khi con gái thứ hai của ông ra đời. Một thời gian sau, bà Chương đã mang thai lần thứ ba trước sinh nhật thứ 16.
Năm 1925, bà hạ sinh đứa con trai như đã hằng hy vọng, đó là con trai út Trần Văn Khiêm. Sự ra đời của một đứa con trai đã đặt dấu chấm hết cho những trách nhiệm sinh đẻ của bà Nam Trân. Nó cũng đồng nghĩa xác nhận vị trí thấp kém của Trần Lệ Xuân trong gia đình.
Lời đồn tình ái "chết người"
Xuyên suốt tác phẩm, dù cố giữ một thái độ khách quan nhưng tác giả cuốn sách đôi khi đã không nén nổi cảm xúc của mình trước nhân vật. Theo đó, người khiến tác giả Monique Brinson Demery "sốc" nhất chính là bà Chương — mẹ Trần Lệ Xuân không chỉ bởi những tin đồn về sự hấp dẫn mà còn có thông bà là người chỉ huy, điều khiển chồng mình. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một tấm hình nào lột tả khía cạnh hoang dại trong tính cách của bà — mà theo mật vụ Pháp, "nổi tiếng khắp Đông Dương". Bà cũng nổi tiếng không kém với tham vọng lì lợm cũng như tính cách coucheries utilitaires — lang chạ với những người có uy thế thuộc bất kỳ quốc tịch nào", tác giả bộc bạch.
"Những báo cáo tiếng Pháp đã điểm danh những tình nhân của bà, bao gồm một con người xuất chúng và nguy hiểm nhất. Một thời gian sau khi đến, vào năm 1939, nhà ngoại giao Nhật Bản Yokoyama Masayuki đã phản bội người vợ Pháp của ông vì bà Chương; đổi lại, bà đã được miêu tả là còn hơn cả nhân tình của ông. Bà Chương đã trở thành "cánh tay mặt" của lãnh sự Nhật ở Hà Nội. Đối với người Pháp, việc một phụ nữ thông minh và tham vọng như bà Chương lựa chọn người Nhật thay vì người Pháp là một dấu hiệu đáng ngại. Bà đang làm những gì có thể để giúp giữ vững vị thế tốt đẹp của gia đình trên cồn cát chính trị biến động không ngừng".
Tác giả cuốn sách cũng điểm lại một lời đồn thổi "chết người" đã trở thành câu chuyện phiếm bên ly cà phê của nhiều người nhiều năm về sau đó là trong số nhiều nhân tình của bà Chương ở Hà Nội có một người đàn ông tên Ngô Đình Nhu.
Dù chỉ được nhắc lại dưới dạng sưu tầm "lời đồn thổi" nhưng nhiều độc giả vẫn băn khoăn tác giả cuốn sách viết một câu "chết người" như thế trước mối quan hệ mẹ vợ — con rể liệu có cần thiết, vì nếu gia đình bà Chương kiện thì tác giả biết lấy gì chứng minh chưa kể trong văn hóa Á Đông, những gì liên quan đến giá trị đạo đức, dòng tộc gia đình đều được xem trọng.
Nguồn: Gia đình và xã hội