Ông Nguyễn Minh Mẫn cũng cho biết, TTCP thành lập 2 đoàn thanh tra để thanh tra Bộ Y tế. Điều đáng nói, cả 2 đoàn thanh tra đều trực thuộc Vụ 3 do ông Nguyễn Minh Mẫn làm quyền Vụ trưởng. Ông Mẫn đặt câu hỏi đối với lãnh đạo TTCP, nguyên do gì mà làm 2 đoàn thanh tra cùng vụ III phụ trách?
Theo vị đại diện Bộ Y tế, theo yêu cầu của đoàn thanh tra nên mời các phóng viên ra ngoài phòng họp. Khi nào có kết luận của đoàn thanh tra, Bộ Y tế sẽ cung cấp đến các cơ quan báo chí.
Hạn định dành cho cơ quan thanh tra để làm rõ những nội dung yêu cầu là trong vòng 4 tháng. Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 31/12/2017.
Một tuần trước, trong cuộc họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thuốc điều trị ung thư H — Capita của VN Pharma qua được các khâu kiểm soát để được cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc tại Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Y tế gửi tới lãnh đạo Chính phủ khi đó được xác định chưa làm rõ những nội dung về trách nhiệm của Cục quản lý dược, của Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan. Thông tin đưa ra không khác thông cáo báo chí Bộ này ban hành trước đó.
Vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra sau đó với nhiều giấy tờ cung cấp về nguồn gốc, xuất xứ thuốc bị làm giả.
Đến nay, qua phiên xét xử sơ thẩm, các lãnh đạo của VN Pharma phải lĩnh án về tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn qua mặt được cơ quan gác cửa để đưa về Việt Nam là vấn đề dư luận bức xúc, đòi hỏi làm rõ.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2013 đến năm 2016, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Nguồn: Tiền Phong