Sáng nay 26/9, tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ đã công bố về thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do Công ty Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty CP VN Pharma.
Nghiên cứu hồ sơ và theo dõi rất kỹ diễn biến sự việc này, TS. Dương Thanh Biểu — nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đã trao đổi với PV Dân trí.
- Vừa qua, VKSND Cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị phúc thẩm Bản án hình sự sơ thẩm số 306/2017/HSST ngày 25/8/2017 của TAND TPHCM về vụ án tại Công ty VN Pharma. Xin ông phân tích thêm lý do của việc kháng nghị này?
— Theo các nguồn thông tin đại chúng, lý do của việc kháng nghị phúc thẩm nêu trên là: Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM chưa phản ảnh đầy đủ, toàn diện, đúng bản chất vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội. Từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
- Ông có thể giải thích cụ thể về việc quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM?
— Có nhiều lý do của quyết định kháng nghị trên đây.
Quá trình xét xử sơ thẩm cho thấy, các bị cáo Bùi Ngọc Duy, Phạm Anh Kiệt và Phạm Văn Thông, biết rất rõ hành vi buôn lậu của bị cáo Hùng và Cường. Do vậy, cấp sơ thẩm chỉ điều tra, truy tố và xét xử 3 bị cáo trên về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là có dấu hiệu bỏ lọt tội buôn lậu.
Thứ hai, cấp sơ thẩm đã sử dụng Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế làm căn cứ để kết tội các bị cáo. Tuy nhiên, tính khách quan của quyết định giám định trên đây cần được xem xét lại.
Mặt khác, Cục quản lý Dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm. Nhưng sau đó lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu là chưa đảm bảo tính khách quan.
Kết luận Giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định có nhiều nội dung mâu thuẫn với quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Dược và Nghị định số 08/2013/NĐ-CP. Theo quy định của pháp luật, số thuốc trên là thuốc giả nhưng kết luận giám định lại nói đó là thuốc kém chất lượng…
VKSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng cần phải trưng cầu giám định với thành phần Hội đồng giám định khác, đảm bảo tính khách quan.
Đồng thời, ngoài lô thuốc H-Capita 500mg Caplet, các bị cáo còn thực hiện các hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác và đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược để xử lý theo pháp luật.
Đối với hành vi của Phan Xuân Thiện, Hoàng Trúc Vy và Nguyễn Quang Huy (Công ty VN Pharma) có liên quan đến việc giúp sức, che dấu, không tố giác tội phạm nên cần được điều tra làm rõ để xử lý.
Thứ tư, về xử lý vật chứng, cấp sơ thẩm quyết định xử lý một số vật chứng chưa phù hợp với pháp luật.
- Ông có bình luận gì về quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM?
— Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên, dư luận có nhiều ý kiến phản hồi. VKSND Cấp cao tại TPHCM đã chủ động rút hồ sơ nghiên cứu đánh giá và đi đến quyết định kháng nghị như phần trên đã nêu.
Đây không chỉ thể hiện năng lực mà còn nói lên vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát. Qua theo dõi, tôi thấy bản kháng nghị đã được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Hy vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Dân Trí