Nếu nhìn lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi thành lập cho đến Đại hội toàn quốc lần thứ 6, hầu như con cháu các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước không được cơ cấu vào bộ máy quyền lực cấp cao nhất của đất nước. Trường hợp hy hữu và đầu tiên có lẽ là GS. Đặng Xuân Kỳ, trở thành ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI khi đã ở tuổi 56 và chính thức khoá VII khi đã sang tuổi 60.
Ông Kỳ nguyên là phó Viện trưởng Viện Triết học, từng được huy động tham gia nhóm nghiên cứu đắc lực trợ giúp cho cha mình là Tổng bí thư Trường Chinh, hình thành lên nền tảng lý luận của công cuộc Đổi mới đất nước trước khi tổ chức Đại hội VI. Rồi ông làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm Viện trưởng Viện KHXH kiêm Viện trưởng Viện Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh…
Ông Đặng Xuân Kỳ sau này cũng từng là một trong ba người được Tổng bí thư Đỗ Mười đưa vào" tầm ngắm" kế tục ông ở cương vị cao nhất trong Đảng. Thế nhưng ông Kỳ đã cám ơn và từ chối chỉ vì đơn giản một điều, tự thấy mình tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều nữa… (theo thông báo nhanh của Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Hữu Thọ sau khi kết thúc Đại hội).
Đảng ta sau này cũng đã luôn lưu ý chuyện bồi dưỡng đào tạo người kế tục sự nghiệp từ con em các nhà lãnh đạo hoặc các chí sĩ cách mạng yêu nước, rồi họ trở thành uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng cũng rất xứng đáng. Chưa từng có trường hợp nào "nhảy cóc" như kể từ Đại hội lần thứ XI.
Tôi nghĩ, chắc Đảng cũng đã thấy trách nhiệm của mình và quyết tâm khắc phục, ngăn chặn. Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống lại mọi biểu hiện suy thoái trong Đảng chính là một cảnh báo rất quý báu cho công tác cán bộ.
Câu chuyện vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng của ông Nguyễn Xuân Anh, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trước cán bộ đảng viên và nhân dân chính là một ví dụ khá đủ. Ông Xuân Anh tham gia dự khuyết Trung ương khoá XI khi mới 35 tuổi, trẻ nhất trong Trung ương khoá đó. Tại kỳ họp 18 vừa qua (ngày 29/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng theo thẩm quyền.
Hôm 19/9 mới đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã bày tỏ quan điểm của Uỷ ban mình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xung quanh công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Uỷ ban đề nghị Chính phủ một vấn đề trong đó có cả công tác cán bộ hiện nay ở khía cạnh bổ nhiệm, đề bạt:
"Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".
Tôi cho rằng việc làm trên là rất cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi các địa phương, các bộ, ngành trên cả nước cũng đang làm công tác quy hoạch, bỏ phiếu thăm dò nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020-2025 và 2021-2026. Nếu chúng ta làm nghiêm túc, triệt để, công tâm, tôi tin rằng sẽ là rào cản ngăn chặn từ xa những sai phạm chưa diễn ra nhưng rất có thể tiếp tục tái diễn.
Các cụ dạy rằng, "đạo đức và uy tín của người cha là tài sản lớn nhất của người con". Tiếc thay có những bậc cha mẹ lại "quên" không dạy con mình điều chí lý đó, để rồi đến khi con vấp váp mới thấm thía thì đã quá muộn. Một khi chúng ta định gieo "hạt giống Đỏ" thì cần phải "Đỏ" thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng.
Nguồn: VietnamNet