Binh chủng pháo binh Việt Nam hiện đang được trang bị 4 loại lựu pháo xe kéo cấp chiến dịch do Liên Xô chế tạo gồm D-74 cỡ 122 mm, D-20 cỡ 152 mm, M-46 cỡ 130 mm và D-30 cỡ 122 mm.
Trong số này D-74 và M-46 là pháo nòng dài, còn D-30 cùng với D-20 thuộc loại nòng ngắn. Tuy nhiên hiện tại, hai khẩu pháo được coi là giữ vai trò xương sống trong chiến thuật hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh là hai khẩu M-46 và D-20.
Có thể nhận thấy 2 loại lựu pháo trên của Việt Nam tồn tại một số hạn chế, cụ thể: pháo D-20 152 mm có uy lực rất mạnh nhưng tầm bắn ngắn (tối đa 17,4 km hoặc lên tới 24 km khi sử dụng đạn tăng tầm) và độ chính xác không cao.
Trong khi đó pháo M-46 bắn xa (khoảng 27,5 km đối với đạn thường và lên tới 38 km khi sử dụng đạn tăng tầm), tốc độ bắn nhanh (tối đa 8 phát/phút) và chính xác thì phạm vi sát thương lại tương đối nhỏ.
Do vậy đã từng có ý tưởng đề xuất rằng Việt Nam nên mua sắm một loại lựu pháo nòng dài cấp chiến dịch thế hệ mới nhằm thay thế vai trò của D-20 và M-46, ứng viên sáng giá có thể kể ra đây chính là 2A65 Msta-B cỡ 152 mm.
Tuy nhiên trong lúc chờ đợi, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn trong biên chế một loại pháo nòng dài khác đủ khả năng tạm thời đảm đương vai trò của 2A65 Msta-B, đó chính là khẩu M-47 cỡ 152 mm.
Pháo M-46 và M-47 có cùng khung giá, bệ kích, với vẻ ngoài gần như giống hệt nhau và chỉ khác biệt duy nhất ở cỡ nòng.
Toàn bộ hệ thống pháo M-47 có trọng lượng 8.450 kg, bắn những viên đạn 152 mm nặng 43,56 kg đi xa 20,5 km, tốc độ tác xạ khoảng 5 — 8 phát/phút.
Như vậy mặc dù cỡ nòng lớn hơn nhưng tầm bắn của M-47 lại thua kém M-46, điểm cộng của nó là sức công phá cao hơn hẳn.
Được biết hiện nay số lượng pháo M-47 còn lại do Liên Xô viện trợ từ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ đang được biên chế cho Quân chủng Hải quân để làm pháo phòng thủ bờ biển, lúc cần thiết nó hoàn toàn có thể huy động tham gia chi viện hỏa lực chiến trường.
Nguồn: baodatviet