Hiện xếp hạng nợ của Việt Nam là B1, triển vọng tích cực. Còn Nhật Bản là A1, triển vọng ổn định.
Với Việt Nam, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm và chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ khiến tín nhiệm quốc gia yếu đi. Trong bối cảnh gánh nặng nợ đang tăng (52,6% GDP), Chính phủ Việt Nam khó hấp thụ được cú sốc kinh tế này mà không làm yếu tài khóa.
Trong khi đó, tăng trưởng của Nhật Bản có thể giảm đi đáng kể. Việc này sẽ đe dọa quá trình bình ổn nợ công tại đây.
Trái lại, các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc lại chỉ chịu tác động khá hạn chế. Hiện xếp hạng của Mỹ ở mức Aaa với triển vọng ổn định. Còn Trung Quốc là A1, cũng có triển vọng ổn định. Singapore, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) cũng chịu tác động nhỏ, do có đủ bộ đệm tài chính để đối phó khi xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm.
Báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng lên kinh tế của các nước dựa trên rủi ro giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng thấp kéo dài và áp lực thanh khoản tăng vì biến động trên thị trường tài chính. Trước đó, Moody's đã có bản phân tích chi tiết về tác động của xung đột lên Hàn Quốc.
Xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Hàn Quốc hiện là nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng nhiều nhì thế giới. Nếu giá dầu và giá khí giảm, áp lực lên các nước sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng này sẽ tăng.
Bên cạnh đó, xung đột còn có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi rủi ro cao, làm tăng rủi ro thanh khoản với các nước này. Tuy nhiên, nước nào sẽ chịu ảnh hưởng còn phụ thuộc vào thời điểm xung đột và thời điểm nợ của họ đáo hạn.
Nguồn: Vnexpress