Có 4 vấn đề đã được gợi ý để các thành viên Chính phủ lựa chọn.
Đầu tiên, liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1 dự thảo Luật), phiếu thăm dò đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ tên gọi là Luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt để phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Phương án 2 được đưa ra là đổi tên thành Luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho phù hợp với nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (chỉ quy định cho riêng 3 khu này).
Trước đó, tại một hội thảo về tổ chức chính quyền đặc khu do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức, ông Hoàng Thanh Tùng — Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho biết: Qua thẩm tra và cho ý kiến sơ bộ thì đây là một trong những vấn đề cả cơ quan thẩm tra lẫn UB Thường vụ Quốc hội còn ý kiến khác nhau.
Vấn đề này, ngay trong giới chuyên gia lập pháp cũng còn rất nhiều cách hiểu khác nhau về Điều 111 Hiến pháp 2013 về việc bắt buộc hay không bắt buộc phải có Hội đồng nhân dân với một chính quyền và nếu chỉ có trưởng đặc khu có vi hiến hay không.
Về nguồn vốn đầu tư cho đặc khu (Điều 23 dự thảo Luật), phương án 1 là ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng. Mức hỗ trợ đối với từng đặc khu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Phương án 2 là để lại toàn bộ số tăng thu nội địa và toàn bộ số thu từ tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn đặc khu trong thời gian không quá 10 năm kể từ khi thành lập, để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng có thể đề đạt các ý kiến khác về các nội dung được đưa ra gợi ý hoặc về các nội dung khác.
Nguồn: Dân Trí