Đảng Nhân dân công khai tuyên bố rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ không rời vị trí cầm quyền. Bản thân ông nói rằng, trong khi ông còn sống, không ai có thể tước đoạt chính quyền của ông. Tuy nhiên, đảng đối lập — CNRP — tuyên bố rằng, họ dự định giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm tới và sẽ lên nắm chính quyền một cách hòa bình. Trong khi đó, cả hai đảng đều hướng tới chủ đề lật đổ chế độ Khmer Đỏ để hợp pháp hóa tham vọng quyền lực, — nhà sử học Nga, TSKH — GS Nadezhda Bektimirova từ Viện Các nước châu Á và châu Phi thuộc đại học MGU nhận xét:
Đảng Nhân dân cho rằng, chính họ có công lớn nhất trong việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ và hồi sinh dân tộc Khmer, coi đây là một yếu tố quan trọng nhất giải thích tại sao CPP là đảng cầm quyền trong thời gian dài như vậy — gần 30 năm — và hiện có tham vọng tiếp tục đóng vai trò này, — bà Bektimirova cho biết. — Đồng thời họ tôn vinh ông Hun Sen — nhà lãnh đạo đã giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ, hồi sinh đất nước và là người bảo đảm sự thịnh vượng trong tương lai. Trong khi đó họ bỏ qua vai trò của các lực lượng bên ngoài trong việc xoá bỏ chế độ diệt chủng.
Trong khi tính hợp pháp của nhà nước và tính hợp pháp của bản thân ông Hun Sen được xem như nhau, những nỗ lực làm suy yếu quyền lực của vị Thủ tướng bị coi là mối nguy cơ đe dọa toàn đất nước. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng công khai tuyên bố rằng, bất cứ ai nhằm gây tổn hại cho chính quyền của Hun Sen nên sắp sẵn quan tài. Về nguyên tắc, cách tiếp cận như trên loại trừ khả năng phe đối lập lên nắm chính quyền sau cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử quốc hội năm 2013 và cuộc bầu cử xã, phường năm 2017 cho thấy rằng, Đảng Nhân dân cầm quyền do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo đã giành ưu thế rất nhỏ. Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2013, gần 45% số cử tri đã bỏ phiếu cho đảng đối lập. Phe đối lập tuyên bố rằng, việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ không giúp gì giải phóng nhân dân và cứu nước, đó là sự can thiệp từ bên ngoài mở đường cho sự suy đồi đạo đức, tham nhũng tác động rất tiêu cực đến dân tộc Khmer. Phe đối lập vốn xem Việt Nam là kẻ thù lịch sử, đổ lỗi cho Việt Nam về tất cả những đau khổ của người Khmer, kể cả về vụ diệt chủng. Họ quả quyết rằng, Việt Nam đã "xúi dục" Khmer Đỏ gây nên nạn diệt chủng. Cho đến nay phe đối lập gọi ông Hun Sen là "con rối của Việt Nam", mặc dù trong một thập kỷ qua, cả ông Hun Sen và chính phủ Campuchia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc hơn là với Việt Nam.
Lập trường của các thủ lĩnh phe đối lập bảo gồm các thủ đoạn bài Việt. Với thái độ như vậy những người Campuchia, đặc biệt là giới trẻ, không thể hiểu rõ về quá khứ bi thảm của đất nước. Những người trẻ chú ý lắng nghe những tuyên bố theo chủ nghĩa dân túy, những lời hứa về kinh tế và xã hội của phe đối lập, — Giáo sư Bektimirova cho biết. — Trong khi hai bên có cách lý giải khác nhau về các sự kiện liên quan đến việc lật đổ chế độ diệt chủng, không thể hy vọng vào bất kỳ sự thỏa hiệp, để dân tộc Khmer có cái nhìn khách quan vào quá khứ và không tìm kiếm kẻ thù bên ngoài.