Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình. Theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Việt Nam hoan nghênh và tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật ở trên Biển Đông"- bà Hằng nói.
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức Mỹ trong ngày 10-10 đưa tin một tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ đã tiến gần các hòn đảo mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại Biển Đông. Động thái này là hành động mới nhất của chính quyền Mỹ để phản ứng trước những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển chiến lược này. Các quan chức giấu tên trên cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chafee đã tiến hành hoạt động tuần tra trên biển bình thường gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng; các đảo nhỏ, rạn san hô và các bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực. Tàu Chafee tuần tra gần nhưng không tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo như hoạt động hồi tháng 8 vừa qua của một tàu Mỹ khác.
Nguồn: NLĐ