USS Chafee không tiến vào 12 hải lý của bất kỳ hòn đảo nào ở Hoàng Sa, mà chọc thẳng vào cái gọi là "đường cơ sở thẳng" mà Trung Quốc tuyên bố (năm 1996) bao lấy quần đảo này.
(Bắc Kinh cố tình giải thích sai Điều 47 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vốn dành cho quốc gia quần đảo như Philippines, Indonesia hòng đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho Hoàng Sa).
Hoạt động này là một phần của nỗ lực lâu dài để Washington chống lại các yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ không công nhận các yêu sách này (đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa hay vùng đặc quyền kinh tế cho bất kỳ cấu trúc nào trong quần đảo này).
Trong tháng Tám vừa qua, lãnh đạo Hải quân hai nước Trung — Mỹ đã ký một thỏa thuận cải thiện thông tin liên lạc giữa hai lực lượng trong bối cảnh tranh chấp leo thang trên Biển Đông và Hoa Đông.
Thỏa thuận được ký kết nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm, và ký ngay sau khi Mỹ thực hiện một hoạt động tự do hàng hải bên trong 12 hải lý của đá Vành Khăn. [1]
(Đây là một trong bảy cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, mà Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp).
Reuters ngày 11/10 lưu ý rằng, hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông được Hải quân Mỹ triển khai ngay trong lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Một số chuyên gia và quan chức Mỹ đã chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama đã để cho Trung Quốc củng cố yêu sách của mình (ở Biển Đông) khi cho tàu chiến đi qua vô hại. [2]
Trong tháng tới ông Donald Trump sẽ có chuyến công du đầu tiên đến châu Á trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó có chặng dừng chân tại Trung Quốc.
Hoa Kỳ vẫn mong muốn nhìn thấy sự tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. [3]
Tài liệu tham khảo:
Nguồn: Báo Giáo Dục Việt Nam