Tiễn đưa Thầy Văn Như Cương về với đất mẹ...(Video)

© Ảnh : Facebook/Tiin.vnXin gửi lời vĩnh biệt đến người thầy đáng kính, PGS Văn Như Cương
Xin gửi lời vĩnh biệt đến người thầy đáng kính, PGS Văn Như Cương - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hôm nay là ngày PGS Văn Như Cương về với đất mẹ. Dẫu biết rằng thầy đã mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác suốt ba năm trời, dẫu biết rằng không ai thắng được quy luật sinh tử, nhưng sự ra đi của nhà giáo Văn Như Cương vẫn để lại nhiều tiếc nuối trong lòng những người yêu quý và kính trọng thầy.

Thầy Văn Như Cương - Sputnik Việt Nam
Chuyện "phó tiến sỹ lợn" và những giai thoại về thầy Văn Như Cương
Xin gửi lời vĩnh biệt chân thành nhất đến nhà giáo Văn Như Cương, một trong những cánh chim đầu đàn của giáo dục Việt Nam! Những đóng góp, cống hiến to lớn của thầy kể từ khi còn là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến khi thành lập, dẫn dắt ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh danh tiếng sẽ mãi được khắc ghi.

Bảng vàng, bia đá sẽ mòn, nhưng vốn tri thức uyên thâm, nhiệt tâm cống hiến, lối sống mẫu mực cùng tấm lòng nhân ái của thầy sẽ được ghi tạc trong lòng lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên và nhiều người dân Việt Nam.

Tôi chưa một lần gặp gỡ, không có được may mắn nhận sự giáo dục trực tiếp của thầy Văn Như Cương. Nhưng hình ảnh người thầy đáng kính với chòm râu trắng quắc thước, ánh mắt nghiêm nghị mà ấm áp yêu thương vẫn luôn khiến chúng tôi dõi mắt ngóng trông tin tức mỗi ngày.

Xin cảm ơn PGS.TS. Văn Như Cương — người thầy của nhiều người thầy. Nền tảng Toán học mà thầy để lại trong nhiều bộ sách cũng như phương pháp giảng dạy tích cực và tầm nhìn chiến lược về giáo dục sẽ luôn là kho tàng di sản quý giá cho nhiều thế hệ nhà giáo noi theo.

Hình ảnh PGS Văn Như Cương đánh trống ngày khai giảng - Sputnik Việt Nam
Thầy Văn Như Cương qua đời: Nụ cười đã tắt và những điều còn mãi
Lòng kính trọng xin được gửi đến người thầy luôn "nghiêm khắc và bao dung" với học sinh như lời thầy từng phát biểu. Sự kiên định về mục tiêu giáo dục, phương pháp kỷ luật dù đi ngược với quan điểm của một số người nhưng chính nó đã tạo nên thương hiệu của ngôi trường Lương Thế Vinh.

Bao học sinh xuất sắc rời trường, ghi tên mình vào các trường đại học danh tiếng, vươn vai trưởng thành mạnh mẽ và góp cho đời vô số công dân tốt. Chính các con sẽ thấu hiểu, cảm thông cho những lần thầy cô nghiêm khắc. Để rồi các con biết rằng đằng sau ánh mắt nghiêm nghị, khuôn mặt không nụ cười, lời nói có phần đe nẹt ấy là những tấm lòng cần mẫn chắt chiu "giọt phù sa" dâng đời.

Đẹp vô cùng hình ảnh người thầy hiệu trưởng gần gũi, thân thương và mỉm cười đôn hậu giữa vòng vây của học sinh! Ánh mắt trìu mến, bàn tay nắm chặt và khuôn mặt rạng ngời từ các em học sinh đã nói lên tất cả lòng thành kính và yêu quý người thầy. Tôi nhớ mãi lời chia sẻ, tâm sự của thầy và nhận ra đó là giấc mơ của bao nhà giáo khác: "Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm".

Lời nguyện cầu thầy vượt qua cơn bạo bệnh, những lời chúc từ đáy lòng và cả đôi mắt rưng rưng, rơi lệ của các con đã khẳng định vị trí lớn lao của người thầy trong lòng các con. Tâm niệm "Trồng cây sẽ cho trái ngọt" của thầy đã thành hiện thực. "Trái ngọt" mà người thầy nào cũng mong muốn gặt hái đâu có gì khác ngoài sự thành công của trò. "Trái ngọt" ấy đôi khi không nhất thiết phải là "thành danh" mà đơn giản chỉ là "thành nhân"!

PGS Văn Như Cương: Bệnh lười là một căn bệnh có nguy cơ lan rộng nhanh chóng - Sputnik Việt Nam
PGS Văn Như Cương nói về "bệnh lười" của học sinh Việt ngày nay
Xin cảm ơn thầy với những lời răn dạy thấm vào lòng đến từng câu từng chữ. Triết lý sống đẹp, những bài học luân lý làm người không khó tìm thấy ở sách vở lại được truyền tải một cách giản dị mà sâu xa:

"Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế!".

Chúng tôi học được nhiều điều từ bức tâm thư thầy gửi cho phụ huynh trường Lương Thế Vinh. Yêu thương con là tấm lòng đáng trân quý nhưng bao bọc con quá mức sẽ khiến các con thiếu hụt về kỹ năng sống, yếu ớt về tâm hồn. Bao mẹ cha đã giật mình, thức tỉnh và thay đổi cách yêu con bắt đầu từ lời dặn dò:

"Nhiều phụ huynh cho rằng, con họ còn quá bé để tự chăm sóc bản thân, tự lo lắng cho mình miếng ăn, miếng nước. Nhưng càng làm hộ chúng bao nhiêu, phụ huynh sẽ càng biến con mình thành những con robot trong tủ kính".

Những câu nói từ trái tim của thầy Văn Như Cương được chúng tôi khắc ghi, gieo vào lòng học sinh từng chút một. Như một mầm cây non nớt, sự tử tế trong mỗi con người cũng cần được chăm bón, tưới tắm để lớn khôn, khỏe mạnh. Và tấm gương về nhân cách, lời răn dạy chí lý chí tình của thầy chính là "mạch nguồn dinh dưỡng" quý giá nhất dưỡng nuôi tâm hồn thế hệ trẻ.

Ngàn lời thương tiếc tiễn bước chân về cõi vĩnh hằng của một người thầy đáng kính…

Thư gửi thầy Văn Như Cương

Thầy ơi! Hà Nội mấy hôm nay mưa suốt ngày đêm. Từ hôm Thầy đi, mưa không dứt. Ông trời chắc cũng hiểu lòng người bởi sự ra đi này không hề đơn giản. Đó là sự ra đi của một người Thầy, một nhân cách sống, một nhà giáo mẫu mực.

Hôm nghe tin Thầy mất, con buồn lắm, cảm xúc ngổn ngang trong lòng. Muốn viết một điều gì gửi Thầy nhưng không sao chắp bút được. Chiều nay mưa bão lại càng to hơn, mưa trắng trời trắng đất. Con ngồi nghĩ đến Thầy, con lo cho chuyến đi cuối cùng của Thầy vào sáng mai. Mong sao mưa ngừng rơi cho Thầy còn qua trường thăm học trò lần cuối. Nước mắt con nhoè ướt trang giấy rồi Thầy ơi!

Ngày con của con được đỗ vào trường Lương Thế Vinh, con mừng rơi nước mắt. Con cảm thấy yên tâm vô cùng về chất lượng dạy và học. Nhất là lại có sự dìu dắt của người Thầy tận tâm như Thầy. Con nhớ mãi hình ảnh của Thầy ra tận cổng trường đón các em học sinh vào năm học mới. Thật xúc động biết bao nhiêu. Chỉ còn sáng mai thôi là chúng con, những học sinh trường Lương Thế Vinh, sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Thầy ở trường nữa rồi. Thầy ơi! Con xin vĩnh biệt Thầy. Một người Thầy đáng kính. Cầu mong Thầy được yên nghỉ. Con chào Thầy.

Hà Nội, chiều 11 tháng 10 năm 2017

Nguyễn Thị Thủy, học sinh cũ của thầy Văn Như Cương

Nguồn: Dân Trí, Video VTCNEWS

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала