Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.
Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.
Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. Thầy được đánh giá cao với năng lực sư phạm và cũng nổi tiếng là người thẳng tính, rất thương yêu học trò.
Tuy nhiên, cách đây gần 3 năm thầy phát hiện mắc ung thư gan khiến sức khỏe bị ảnh hưởng do vậy thầy thường xuyên phải nằm viện.
Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, khoảng 1h sáng ngày 9/10 thầy đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Cuộc đời thầy luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc cùng với những giai thoại đầy thú vị.
Vế đối nổi tiếng
"Văn như Văn Như Cương". Không cần nghĩ ngợi nhiều, thầy Cương đối lại: "Võ nguyên Võ Nguyên Giáp".
Đó là một vế đối quá chỉnh nhưng lại đưa tên vị Đại tướng lừng danh vào đây nên nhiều người ngại "phạm húy", không dám truyền tụng rộng.
Bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (bà là người có họ hàng với PGS.TS Văn Như Cương) ngày ấy cũng công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội biết chuyện, bà vui miệng kể lại với chồng.
Nghe xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp tủm tỉm cười khen:
"Giỏi, đối như vậy là rất chỉnh. Người thông minh mới làm được như vậy".
Giai thoại này về sau có người phịa ra để trêu đùa rằng, chính Phó giáo sư Văn Như Cương là người đưa ra câu đối: "Võ nguyên Võ Nguyên Giáp" để mọi người phải đối lại là: "Văn như Văn Như Cương".
Chuyện "phó tiến sỹ lợn"
Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mặc dù là phó tiến sỹ nhưng lương của ông chẳng đủ ăn. Nên gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn.
Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát nay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi.
Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sỹ thời đó, nên ông thường nói vui: "Trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn".
Nhưng việc nuôi lợn cũng chỉ được một thời gian, vì không đủ tiền mua cám, ông phải cho "tiến sỹ" lợn "bảo vệ luận án" sớm. Nói vui theo kiểu của ông là:
"Bảo vệ sớm vì hết đề tài (rau, cám)".
Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng:
"Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký".
Chuyện vui về bộ râu
Thầy Cương tìm cách thuyết phục vợ, biện bạch rằng, có bộ râu này mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết, có mà dám. Nghe như đùa nhưng lại là sự thật nên nói mãi vợ cũng đành chiều theo. Quả nhiên ai cũng nhớ đến thầy Cương ở trường sư phạm, qua bộ râu dài và đẹp như một bậc trưởng lão.
Từ ngày đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, năm 1989 thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã nổi tiếng với bộ râu "tuyết" của mình. Có lần một người hỏi vì sao ông có ít tóc nhưng râu lại dài thế? Ông nhanh chóng đáp lại, tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít.
Người ta lại hỏi vì sao ông lại hết lòng vì sự nghiệp trồng người đến vậy, ông điềm đạm vuốt râu đọc mấy dòng thơ tâm huyết:
"Ta phải về thôi tuổi xế chiều. Dẫu còn dan díu chút tình yêu. Bài ca sư phạm không đành bỏ. Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo".
Tình yêu đẹp với cô học trò
Chàng có cách truyền đạt đầy biểu cảm và dễ hiểu. Cô học trò ấy thường xuyên mang sách vở lên hỏi thầy và rất chăm chỉ học tập. Hai thầy trò mến nhau từ đó.
Ra trường, thầy giáo trẻ Văn Như Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Từ đó tình yêu nảy sinh, chàng giáo viên nghèo này được gia đình cô Oanh chấp nhận.
Nhưng có chuyện bất ngờ xảy ra, khi thầy giáo Văn Như Cương được nhà trường quyết định cử vào Nghệ An, xây dựng trường đại học đầu tiên ở đây (năm 1959). Khi đó gia đình cô gái đã đồng ý cho cô theo thầy giáo trẻ vào Vinh để tiếp tục học tập.
Năm 1961, khi cô Oanh nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc thầy giáo Văn Như Cương xin cưới. Hai người nên vợ nên chồng từ đó và cùng nghề dạy học. Đến nay đã hơn 50 năm trọn tình, trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời nhưng họ vẫn gắn bó hạnh phúc bên nhau.
Thầy Văn Như Cương không chỉ được biết đến với những giai thoại mà thầy còn nổi tiếng với những phát ngôn "thẳng và thật". Cùng với đó là những lời dạy của thầy đến với nhiều thế hệ học sinh, điển hình là bài phát biểu truyền cảm hứng nhân dịp khai giảng mới đây của thầy với bài học "một phút chữa bệnh lười".
Nguồn: Tổng hợp An ninh Thủ Đô, VnExpress, Dân Trí