Biên chế hai tàu chủ lực mới
Ngày 9/10, Hải quân Việt Nam đã được bổ sung thêm 2 tàu tên lửa lớp Molniya có số hiệu lần lượt là 382 và 383. Buổi lễ biên chế được Tổng công ty Ba Son và Hải quân Việt Nam tổ chức ở tỉnh Đồng Nai. Đơn vị tiếp nhận 2 tàu chiến này là lữ đoàn 167, Vùng 2, Hải quân Việt Nam. Lữ đoàn này đóng ở căn cứ hải quân huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo hãng tin CNA Đài Loan và trang tin Sohu Trung Quốc, hai tàu này bắt đầu được lắp ráp vào cuối năm 2013, lần lượt hạ thủy vào ngày 14 và 15/4/2016, nhưng thời gian bàn giao 2 tàu này đã trì hoãn gần 1 năm.
Tàu tên lửa lớp Molniya dài 56,1, rộng 10,2 m, lượng giãn nước 550 tấn, tốc độ cao nhất có thể đạt 38 hải lý/giờ, trang bị các vũ khí như tên lửa chống hạm Uran-E, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tấn công các tàu chiến như tàu đổ bộ, đồng thời bảo vệ an toàn cho tàu ngầm.
Tổng công ty Ba Son là nhà máy đóng tàu quan trọng của Tổng cục công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Từ năm 2009 trở đi, dựa trên công nghệ do Nga chuyển nhượng, nhà máy này đã chế tạo 6 tàu tấn công loại này, đã bàn giao 2 lô cho Hải quân Việt Nam vào các năm 2012 và 2015, tổng cộng 4 chiếc.
6 tàu chiến này có thể nâng cao khả năng phòng thủ cho Hải quân Việt Nam, đồng thời cho thấy Việt Nam từng bước nắm chắc công nghệ chế tạo tàu chiến tiên tiến.
Có trang tin quân sự Trung Quốc cho rằng Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport) và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD vào năm 2006.
Căn cứ vào hợp đồng, phía Nga trước tiên cung ứng 2 tàu tấn công tên lửa lớp Molniya cho Hải quân Việt Nam, rồi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chế tạo 6 tàu chiến cùng loại khác. Việt Nam còn được ưu tiên mua thêm 4 chiếc. Đáng chú ý, phía Nga cung ứng các bộ kiện thân tàu và các linh kiện khác cho Việt Nam.
Lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh
Trong những năm qua, báo chí Trung Quốc rất quan tâm đến từng động thái tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam, nhất là khả năng tác chiến trên biển, trong đó có tàu tên lửa lớp Molniya.
Tờ Phượng Hoàng cho rằng, tàu tên lửa lớp Molniya đã trở thành tàu chủ lực của Hải quân Việt Nam. Việt Nam còn mua sắm thêm tàu hộ vệ lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo của Nga, có lợi cho Hải quân Việt Nam tăng cường năng lực tác chiến trên mặt biển và dưới đáy biển.
Trang tin Sina Trung Quốc cho rằng Tổng công ty Ba Son Việt Nam đã cử rất nhiều chuyên gia đến Nga học tập, nắm chắc kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực đóng tàu quân sự.
Theo trang tin Trung Quốc, từ khi ra đời vào cuối thập niên 1950, tàu tên lửa đã được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Trung Đông lần thứ ba và các cuộc chiến tranh cục bộ sau đó, thành tích huy hoàng, được nhiều quốc gia coi trọng.
Nhiệm vụ tác chiến của tàu tên lửa từ tấn công tàu chiến mặt nước ban đầu đã mở rộng đến có thể tiến hành tuần tra trên biển, bảo vệ ngư dân, hộ tống hàng hải, tiến hành phong tỏa cảng biển và tấn công các mục tiêu gần bờ của đối phương.
Sau khi đưa vào biên chế, Việt Nam rất hài lòng với tàu tên lửa Molniya. Do được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại và có khả năng cơ động tốc độ cao, tàu tên lửa lớp Molniya có thể kiểm soát vùng biển rộng, chủ yếu dùng để tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu vận tải và tàu đổ bộ của đối phương ở gần bờ và biển gần (duyên hải).
Những năm gần đây, Việt Nam đã tập trung tăng cường sức mạnh hải quân, tập trung chuẩn bị những "đòn sát thủ" nhằm vào đối phương khi xảy ra chiến tranh, xung đột, coi trọng tạo được ưu thế tấn công phi đối xứng "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy yếu chống mạnh" — đây là tư tưởng tác chiến của người Việt từ xưa đến nay. Tàu tên lửa lớp Molniya đáp ứng được nhu cầu tác chiến này của Việt Nam.
Tàu tên lửa cùng với các tàu chiến mặt nước khác phối hợp với tàu ngầm, máy bay chiến đấu đã giúp Việt Nam tạo ra được khả năng tấn công, phòng thủ lập thể cả trên không, mặt biển và dưới lòng biển. Việt Nam tận dụng điều kiện địa lý ưu việt của bờ biển dài để nâng cao toàn diện khả năng tấn công phòng thủ biển.
Việt Nam có thể triển khai "phân tán" tàu tên lửa lớp Molniya ở vịnh Cam Ranh, các cảng biển và các đảo, tạo ra khả năng răn đe đối với đối phương, góp phần nâng cao khả năng kiểm soát biển của Việt Nam trên Biển Đông.
Chuyên gia Nga cho rằng Việt Nam được Nga chuyển nhượng công nghệ đóng tàu cho thấy Nga không đề phòng với Việt Nam, trình độ hợp tác quân sự hai nước được nâng lên rất lớn.
Nguồn: viettimes