APEC 2017: Việt Nam được tín nhiệm cao trong cộng đồng quốc tế

© SputnikĐường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển Mỹ Khê sẽ là tuyến đường chính và nhộn nhịp nhất vào những ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển Mỹ Khê sẽ là tuyến đường chính và nhộn nhịp nhất vào những ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Với việc lần thứ 2 đảm nhận vai trò chủ nhà Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã khẳng định tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế.

Năm 2017, Việt Nam đã lần thứ 2 đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sau 19 năm trở thành thành viên của diễn đàn này.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, điều đó "thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của nước ta về tương lai châu Á-Thái Bình Dương".

Sự tín nhiệm

Năm 1998, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên APEC. Chỉ sau 7 năm gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai tổ chức các hoạt động của Diễn đàn này. Tại thời điểm đó, đây là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai. Năm APEC 2006 đã được tổ chức thành công với những dấu ấn mang đậm nét Việt Nam và được các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ những kinh nghiệm trong việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2006 và triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011); trong đó có đối ngoại đa phương và đóng góp vào hợp tác của các cơ chế ở khu vực, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên APEC đối với việc lần thứ hai đăng cai các hoạt động của APEC.

Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 ở Bali (Indonesia) vào tháng 10/2013, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với Việt Nam.

Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau gần 30 năm đổi mới, việc một lần nữa đăng cai Năm APEC đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á-Thái Bình Dương và mong muốn của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung nhằm mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC, duy trì vai trò động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kỳ vọng lớn

Trong lần thứ 2 đảm nhận vai trò chủ nhà APEC, Việt Nam kỳ vọng có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với quá trình phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực; trong đó then chốt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại-đầu tư vào năm 2020.

Bên cạnh đó, theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam kỳ vọng kết quả hoạt động của Năm APEC 2017 sẽ góp phần nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ 4.

Mặt khác, thông qua việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam kỳ vọng tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên APEC. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 cũng được kỳ vọng nhằm giúp quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập, mang lại những cơ hội phát triển quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Và những ưu tiên chính

Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 ở thủ đô Lima (Peru) vào tháng 11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chính thức thông báo chủ đề của Năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực.

Chủ đề này phản ánh sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm "động lực mới" cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á-Thái Bình Dương về "vun đắp tương lai chung" đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Ngoài ra, chủ đề này cũng thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.

Để cụ thể hóa chủ đề đó, Việt Nam đã đề xuất 4 hướng ưu tiên gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những ưu tiên đó nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục đà tăng trưởng và liên kết sâu rộng ở khu vực, góp phần hoàn tất các Mục tiêu Bogor và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

Nguồn: bnews

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала