Đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá chất lượng đội ngũ công chức hiện nay chưa đảm bảo tốt nhiệm vụ hành chính đặt ra:
"Cả nước có hơn 2 triệu công chức, viên chức đang làm việc; 8 triệu người hưởng lương chiếm 8,3% dân số; hàng năm ngân sách phải bỏ ra 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương. Với đội ngũ công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao".
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, từ khi Đảng chủ trương cái gì nhà nước "ôm" không nổi thì nên để xã hội chung lo. Tuy nhiên sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng "cái bánh" ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay.
Theo ĐB Sơn, đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời muốn giảm chi từ ngân sách, tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn dân.
Bà Hoa dẫn chứng thêm về sự cồng kềnh nhiều tầng nấc trong nhiều Bộ đó là việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn:
"Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ phổ biến theo mô hình truyền thống đó là trong một bộ có tổng cục, vụ. Trong tổng cục thì cũng có cục vụ. Trong cục vụ thì có phòng ban, chi cục. Báo cáo của Chính phủ thấy hiện nay chỉ có 2/22 vụ không có phòng trong vụ còn tất cả các vụ còn lại còn có phòng chiếm tới 63,3%… Việc thành lập phòng trong vụ gây tình trạng lãnh đạo nhiều hơn công chức".
Đề cập tới tinh giản biên chế, ĐB Hoa cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn:
"Chúng ta mới giảm 3.000 người trong khi đó nhóm công chức làm ở khối đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ công đến nay đã lên 2,5 triệu người và tăng nhanh 2,8% so với năm 2010".
"Nhiều phòng ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí không có nhân viên thế nhưng trong thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở, phê bình. Chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc, ví dụ có bao nhiêu biên chế thì có cấp phó, bao nhiêu biên chế thì có hai cấp phó; điều kiện như thế nào thì được thành lập vụ, viện; hoặc trong trường học, số lượng bao nhiêu học sinh thì mới được thành lập trường. Có tình trạng có xã 150 học sinh cũng thành lập trường, trong một xã nhỏ có tới 2-3 trường tiểu học rồi sinh ra nhiều hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán…", ông Phương nói.
Nguồn: An Ninh Thủ Đô