Cho đến gần đây, ở Việt Nam chỉ có một người nhận được Huy chương Pushkin, giải thưởng nhà nước Nga được ban hành từ năm 1999. Năm 2010, ông Nông Đức Mạnh Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tặng Huy chương Pushkin.
Ứng viên nhận Huy chương Pushkin là các công dân Nga và nước ngoài có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, văn học và giáo dục, có những thành tựu trong nghiên cứu và giữ gìn di sản văn hóa, xích lại gần nhau và cùng làm giàu nền văn hóa của các quốc gia khác nhau. Trong 18 năm qua có 922 người được tặng Huy chương Pushkin. Như quy định, người được nhận giải thưởng này phải có kinh nghiệm tối thiểu 20 năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Bà Nguyễn Tuyết Minh đã gắn bó cuộc đời mình với tiếng Nga từ 63 năm trước đây, khi bà đã đến Matxcơva trong thành phần nhóm học sinh Việt Nam đầu tiên. Ở đây bà đã tốt nghiệp trường phổ thông, rồi vào Đại học Sư phạm. Sau đó, bà đã bảo vệ luận án Tiến sĩ và luận án Tiến sĩ Jhoa học, gần nửa thế kỷ giảng dạy tiếng Nga tại khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong 16 năm liền bà Nguyễn Tuyết Minh là tác giả và biên tập viên của bộ Đại Từ điển Việt-Nga đã được xuất bản ở Matxcơva trong năm 2012.
"Tôi rất xúc động được sự quan tâm mà Nhà nước Nga dành cho tôi, — bà Nguyễn Tuyết Minh nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik-Việt Nam nhân dịp bà được tặng giải thưởng Nhà nước Nga. — Ở Việt Nam, khá nhiều người có những thành tích lớn trong lĩnh vực phổ biến tiếng Nga. Tất cả chúng tôi đều cho rằng, hoạt động trong lĩnh vực này là sự bày tỏ lòng biết ơn đối với Nga, đất nước đã nuôi dưỡng và giáo dục chúng tôi".
Bà Nguyễn Tuyết Minh đặc biệt lưu ý rằng, lễ trao tặng Huy chương Pushkin sẽ diễn ra ở Matxcơva trước thềm ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười.
"Nếu như không có Cách mạng tháng Mười,"- bà nói, — "sẽ không có Cách mạng Tháng 8 ở Việt Nam. Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và mỗi người Việt Nam nhận thức rõ điều đó. Chúng tôi hiểu rằng, nếu không có Cách mạng Tháng 10 năm 1917 thì sẽ không có chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc Pháp và Mỹ xâm lược. Chính bởi vậy ở Việt Nam các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười được tổ chức rộng rãi. Có nhiều sự kiện long trọng, các buổi hòa nhạc trình bày bài hát Nga thu hút hàng trăm nghệ sĩ và khán giả".
Bà Nguyễn Tuyết Minh lấy làm tiếc rằng, hiện nay tiếng Nga không được nghiên cứu rộng rãi ở Việt Nam như những năm sáu mươi và tám mươi của thế kỷ trước.
"Đặc biệt là ở miền Bắc", — bà nhấn mạnh, — tiếng Nga chỉ được giảng dạy tại một số trường phổ thông và trường đại học. Ở miền Nam: tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh — tình hình với tiếng Nga tốt hơn vì ở đó có nhu cầu học tiếng Nga để phục vụ ngành du lịch".
Bà Nguyễn Tuyết Minh tin tưởng rằng, cùng với việc mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hoá giữa Nga và Việt Nam, tiếng Nga sẽ lấy lại vị thế mạnh ở Việt Nam. Đây chính là mục đích của Trung tâm Quỹ Thế giới Nga đặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội.