Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên viên Mazyrin đã bình luận thông báo của hãng tin "Bloomberg", rằng đồng tiền Việt Nam là một trong những bản tệ quốc gia ổn định nhất của châu Á.
"Đây là thực tế từ lâu được thừa nhận rộng rãi. Đồng tiền Việt Nam được đảm bảo trước hết nhờ tình hình kinh tế thuận lợi trong nước, mức tăng trưởng kinh tế ổn định, tối thiểu cũng là 5-6% / năm", — TSKH Vladimir Mazyrin nhận xét.
"Trên bình diện này chính sách tiền tệ của Nhà nước cũng rất quan trọng. Tỷ giá hối đoái ở Việt Nam không thả nổi tự do thí dụ như ở Nga. Nhà nước giữ tỷ giá trong khuôn khổ một hành lang nhất định, và các giao dịch tiền tệ trong một phiên có thể xê dịch khỏi tỷ giá hiện hành chỉ ở mức rất nhỏ 0,1 — 0,2%. Trong suốt những năm gần đây, tỷ giá VND tăng so với USD trong biên độ tối đa là 2% mỗi năm", — ông Vladimir Mazyrin nói.
Chính sách tiền tệ như vậy của Nhà nước là dễ hiểu, — GS Mazyrin nói tiếp. — Nền kinh tế Việt Nam định hướng vào xuất khẩu, tăng trưởng dựa trên thu hút đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này, những thay đổi nghiêm trọng về tỷ giá chắc chắn sẽ dẫn đến mất mát quan tâm và sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như người mua hàng.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Việt Nam, GS Mazyrin cũng bình luận về bài đăng gần đây trên tờ "Asia Times", nói về chuỗi số của VND. Ngoại trừ Việt Nam, không nơi nào trên thế giới có tờ tiền mệnh giá nửa triệu, — tác giả bài báo nhận xét và kiến giải rằng sẽ tiện lợi hơn nếu xóa bớt những dãy số 0 in trên đồng tiền.
"Đã đến lúc nên nghĩ đến thay đổi mệnh giá của đồng tiền", — tác giả kết luận.
"Cách giải quyết này có vẻ như là một lối mở, nhưng cần phải nhớ rằng chuỗi lớn những số 0 trên tờ giấy bạc chẳng gây phiền cho ai ở Việt Nam. Hơn nữa, như một quy luật, người Việt Nam ưa giữ phần tiết kiệm cơ bản của mình bằng vàng hoặc bằng USD. Còn định giá lại và phát hành tiền tệ theo đơn vị mới đòi hỏi tốn phí lớn, nhất là khi đồng tiền Việt Nam được in ở Australia. Ngoài ra, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc thay đổi mệnh giá tiền. Hồi cuối những năm 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, hoạt động đổi tiền như vậy không đem lại lợi ích gì mà chỉ gây bất ổn cho tình hình kinh tế nội địa", — chuyên gia Nga nhận định.