Vị thế của Việt Nam đã khác thế nào so với lần đầu đăng cai APEC 2006?

CC0 / Republica / Đà Nẵng
Đà Nẵng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đã 11 năm kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vị trí chủ nhà Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), cùng điểm lại xem Việt Nam đã 'thay da đổi thịt' như thế nào sau hơn một thập kỷ qua.

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm gia nhập APEC, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhớ lại: "Tháng 11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại 5 năm 1996 — 2000 với tư tưởng chủ đạo là phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO".

Sau đó, vào tháng 11/1998, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC, đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

APEC đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau khi gia nhập được 8 năm, vào năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên có vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14.

Vào thời điểm đó, Năm APEC 2006 là sự kiện quốc tế lớn nhất mà Việt Nam từng tổ chức, trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 12 đến 19/11/2006 tại Hà Nội..

Khi đó, APEC là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với 65,6% tổng số vốn đầu tư. Trong 14 nước và lãnh thổ đầu tư lớn nhất (trên 1 tỉ USD) vào Việt Nam thì APEC đã có 10 nước với tổng vốn 39,5 tỉ USD, chiếm 62,7% tổng số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên APEC chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các khu vực trên thế giới với 72,8%. Hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ APEC cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất với khoảng 25,3 tỉ USD (2004), chiếm 79,2%.

Trong hơn 2,9 triệu lượt khách quốc tế đến VN trong năm 2004 thì APEC đã có trên 2,2 triệu lượt khách, chiếm 75,7%.

Việc tổ chức thành công APEC năm 2006 là đỉnh cao, làm cho Việt Nam được nhìn nhận không chỉ ở tầm khu vực, mà đã nâng cao vị thế để chủ trì những sự kiện, giải quyết những vấn đề ở tầm liên khu vực với quy mô và tính chất phức tạp hơn nhiều.

Hiện nay, sau hơn 10 năm kể từ lần đầu đăng cai tổ chức APEC, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. 

Hiện nay, 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và đa phương của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Tăng trưởng GDP thực tế trung bình của Việt Nam có thể đạt 5,1%/năm từ 2016 đến 2050. 

Năm APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới.

Nguồn: theleader

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала