Vị cán bộ lão thành cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác này:
"Vụ Yên Bái rõ ràng như ban ngày mà chưa làm rõ ra được; chứng tỏ Trung ương quyết liệt nhưng địa phương chưa thì kết quả cũng chưa mong muốn. Hội nghị Trung ương 6 đã xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm như trường hợp Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Có người hỏi tôi có mừng hay không. Tôi nói vừa mừng vừa đau xót", ông Nguyễn Quốc Thước phát biểu và khẳng định người dân sẽ luôn sát cánh với Đảng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực.
Theo cử tri, việc một cán bộ rất trẻ, con của một đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao mà vẫn phải chịu kỷ luật là tấm gương cho nhiều đồng chí khác.
Trong khi đó, cử tri Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) hoan nghênh việc kiên quyết bắt Trịnh Xuân Thanh, tuyên án Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, bắt Trầm Bê, kỷ luật Nguyễn Xuân Anh… và cho rằng những việc làm này đã làm phấn chấn, yên lòng dân. Tuy thế, cử tri nhìn nhận, công tác cán bộ có nơi, có chỗ còn bị lợi dụng.
"Đảng kêu gọi giảm biên chế nhưng con số cán bộ ngày càng tăng, để Tổng bí thư phải nói tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng hàng năm. Nhiều nơi lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ có vào mà có ra, có lên không có xuống, hỏng chỗ này chuyển đến chỗ khác thì lại lên cao hơn. Thủ tướng nói "tìm người tài không tìm người nhà" nhưng nhiều nơi vẫn đưa người thân vào đề bạt các chức vụ".
Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập việc Trung ương đã tiến hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh — Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vì ông này đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
"Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc", Tổng bí thư nói.
"Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân", Tổng bí thư khẳng định.
Ông nêu câu hỏi "vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế?" và tự lý giải "ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn, ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".
"Mỗi lần tiếp xúc với các bác, các anh chị, dù là thời gian ngắn nhưng chúng tôi như được tiếp thêm sinh lực mới. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn. Tiếc là thời gian hạn hẹp nên nói ngắn, hiểu nhiều".
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định, cần làm đúng, làm đủ theo pháp luật, để đối tượng phải tâm phục, khẩu phục.
"Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Đấu tranh để tất cả mọi người khác đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội. Kỷ luật cốt để cán bộ sửa mình để trưởng thành", Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri.
Theo: Báo Tiền Phong, SGGP, Vnexpress