"Ở đặc khu, bộ máy phải đảm bảo tinh gọn hiệu quả, trao quyền dứt khoát, mạnh mẽ cho cá nhân" — đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh khi thảo luận dự án Luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt tại Quốc hội.
Không nên có HĐND và UBND
Vấn đề được trao đổi nhiều nhất chính là mô hình hành chính của đặc khu.
Ban soạn thảo đưa ra hai phương án: Phương án một sẽ không tổ chức HĐND và UBND tại ba đặc khu. Chính quyền địa phương tại ba đơn vị này là thiết chế trưởng đặc khu, có bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn và trưởng khu hành chính.
Phương án hai là tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị đặc khu, có HĐND và UBND. Đa số ý kiến đều ủng hộ phương án một.
Đại biểu Đỗ Thị Lan — trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Ninh — cho rằng không nên tổ chức HĐND và UBND mà giao quyền cho trưởng khu hành chính — kinh tế đặc biệt.
"Qua thời gian thí điểm không tổ chức HĐND trước đây, chúng tôi cũng nhìn nhận ra những đổi mới trong phát triển kinh tế — xã hội ở địa phương.
Về vấn đề giám sát việc chấp hành pháp luật của bộ máy hành chính ở đặc khu, tôi đề nghị quy định trong luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giao cho một ủy ban, đoàn đại biểu QH của tỉnh thực hiện quyền giám sát, đồng thời HĐND tỉnh cũng thực hiện giám sát với đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt" — bà Lan nêu.
"Cần quy định rõ thẩm quyền, cơ chế làm việc, chế độ báo cáo giữa trưởng đặc khu với UBND, HĐND cấp tỉnh, các bộ, ngành ở trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Khi quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế làm việc thì mô hình hành chính ở đặc khu mới hoạt động hiệu quả được" — ông Minh phân tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cũng đồng tình phương án một, chỉ băn khoăn là nếu giao cho trưởng đặc khu làm hết việc của UBND và HĐND cấp huyện như hiện nay, có gì đó bất cập và chưa rõ.
"Ví dụ hiện nay HĐND bầu ra hội thẩm nhân dân, vậy trưởng đặc khu có bổ nhiệm hội thẩm nhân dân không? Trưởng đặc khu có rất nhiều quyền, trong đó có cả thẩm quyền của Thủ tướng, bộ, ngành.
Ví dụ trưởng đặc khu có quyền đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, như vậy là đảm bảo cả nhiệm vụ của Bộ Công an.
Vậy khi có việc gì xảy ra thì Bộ Công an có vào được không? Tôi đề nghị ủy quyền phải rõ ràng, đặc biệt là các quyền về an ninh, quốc phòng thì giao rõ và phân cấp thật rõ" — ông Quyền nêu.
"Đừng hai mẹ, hai cha"
Theo ông, ở đặc khu, bộ máy phải đảm bảo tinh gọn hiệu quả, trao quyền dứt khoát cho cá nhân mạnh mẽ. "Đừng hai mẹ hai cha, vừa địa phương vừa trung ương quản lý là không được. Tránh chuyện tập thể, trì trệ và chờ đợi nhau" — ông Kim nói.
Ông nhấn mạnh phải trao quyền tự do, dân chủ cho người dân nhiều hơn thì mới là mô hình mới. Dân chủ trực tiếp phải đặt cao hơn dân chủ đại diện mới giải quyết được sự quan tâm của người dân.
Ông đề nghị Chính phủ phải có bộ phận chuyên biệt để phục vụ ba đặc khu vì đây là mô hình mới hoàn toàn, địa phương không đủ chuyên môn để xử lý.
"Chúng ta đã rút kinh nghiệm khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất, khu công nghiệp… quá nhiều khu rồi. Lần này làm đặc khu phải thành công, không thành công là không được" — ông Kim nhấn mạnh
Tán thành, đại biểu Lê Xuân Thân, trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa, cũng nói: "Đặc khu phải có sự đặc biệt, điều hành nhanh gọn, đủ thẩm quyền để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, phải có thẩm quyền quyết định và quyền đó phải trao cho một người dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ chế".
"Chúng tôi xây dựng mô hình đặc khu Phú Quốc theo hướng trên có trưởng đặc khu, dưới có hai phó đặc khu cùng tám ban: Ban tư tưởng văn hóa, Ban tổ chức nguồn nhân lực, Ủy ban kiểm tra — thanh tra, Văn phòng, Ban kinh tế tổng hợp, Ban chính sách xã hội, Ban tài nguyên — môi trường, Ban phát triển hạ tầng cùng cơ quan chung Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Hai đơn vị sự nghiệp là Trung tâm hành chính công và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch".
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang NGUYỄN THANH NGHỊ
Nguồn: Tuổi Trẻ