Tại cuộc họp gần đây nhất của nhóm làm việc trong Hội đồng Nga-Pháp về các vấn đề kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại (CEFIC), phía Pháp đã nêu vấn đề "đưa máy bay SuperJet ra thị trường Trung Quốc".
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Tổng giám đốc công ty PowerJet ông Marc Sorel nói về những thành tựu và những khó khăn của công ty cũng như về kế hoạch chinh phục thị trường mới.
"Chúng tôi đang làm việc để động cơ SaM146 có thể được trang bị không chỉ cho SuperJet100 mà còn cho thủy phi cơ Be-200. Chúng tôi đang tiến hành cuộc đàm phán về nội dung này. Một thành tựu lớn là quyết định miễn thuế nhập khẩu 95% thành phần động cơ SaM146, cũng như việc miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Những kết quả như vậy chỉ có thể đạt được thông qua các nhóm làm việc liên chính phủ, vì hoạt động của xí nghiệp liên doanh có phạm vi lớn hơn so với mối quan hệ thuần túy thương mại giữa các đối tác. Hơn nữa, sự hợp tác của công ty Safran Aircraft Engine với công ty NPO Saturn không hạn chế bởi việc sản xuất động cơ SaM146. Công ty Nga cũng sản xuất các bộ phận cho động cơ tuabin khí CFM56 và động cơ LEAP thế hệ mới".
Nói về quá trình sản xuất và phân phối nhiệm vụ giữa các đối tác, ông Sorel nhận xét:
"Trong quá trình sản xuất động cơ máy bay, giai đoạn phức tạp nhất là bộ phận cao áp dẫn nhiên liệu có áp suất cao. Khi chúng tôi mới bắt đầu hợp tác với công ty Safran Aircraft Engines (khi đó được gọi là Snecma) trong việc sản động cơ SaM146, điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là công ty Nga sở hữu công nghệ độc đáo để sử dụng trong ngành hàng không dân dụng. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ với NPO Saturn những kiến thức trong lĩnh vực quản lý các dự án và chuỗi sản xuất. Có thể nói rằng, Safran sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với NPO Saturn".
Đồng thời, Tổng giám đốc PowerJet thừa nhận rằng, trong xí nghiệp liên doanh các kỹ sư thế hệ mới đang được đào tạo dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo công ty NPO "Saturn". Và các chuyên gia Nga có một ưu điểm quan trọng:
"Dù cơ sở vật chất của các kỹ sư người Nga đôi khi bị hạn chế, nhưng trong công việc họ luôn hướng theo lương tri của mình".
Một trong những vấn đề chưa được giải quyết hoàn toàn trong công ty PowerJet là hậu cần và bảo trì. Đây là hai yếu tố quan trọng nhất để đánh giá về chất lượng dịch vụ khách hàng. Mạng lưới PowerJet MRO bao gồm hai cơ sở bảo trì được chứng nhận: ở ngoại ô Paris và tại thành phố Rybinsk của Nga, cũng như hai trung tâm hậu cần — ở thành phố Villaroche của Pháp và ở thị trấn Lytkarino ngoại ô Matxcơva. Theo ông Mark Sorel, dịch vụ của PowerJet chưa đáp ứng được 100% nhu cầu của khách hàng:
"Chúng tôi làm tất cả để các động cơ của chúng tôi được sửa chữa đúng thời hạn đặt ra, để cung cấp kịp thời các phụ tùng. Dịch vụ này đáp ứng được 99% nhu cầu. Tất nhiên, động cơ SaM146 với thời gian bay 700.000 giờ chưa thể được gọi là sản phẩm "trưởng thành", không thể so sánh nó với các động cơ hoạt động trong hơn 20 năm có thời gian bay mấy triệu giờ. Nhưng, động cơ của chúng tôi vẫn "sống" và đang trong quá trình cải tiến liên tục. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là, các đối tác nên xem xét Sukhoi SuperJet như loại máy bay hoàn toàn ngang hàng với A320 hoặc Boeing 737 ", — Tổng giám đốc công ty liên doanh Pháp-Nga PowerJet kết luận.