Ngay từ năm 1947, nhà thơ Tố Hữu nổi tiếng của Việt Nam đã dịch bài thơ này sang tiếng Việt, tuy nhiên không phải là từ tiếng Nga mà là từ bản tiếng Pháp, — trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga nhận xét.
Ở Việt Nam đã nhiều lần xuất bản tác phẩm của các nhà thơ Xô-viết và Nga nói về cuộc chiến tranh anh hùng chống bọn phát-xít và Chiến thắng vĩ đại năm 1945, — ông cho biết. Nhưng chưa có tuyển thơ dịch nào của nhiều tác giả. Vì thế, Hội Hữu nghị Việt-Nga quyết định kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười bằng việc phát hành cuốn tuyển tập thơ như vậy. Bởi chiến thắng của nhân dân Liên Xô đập tan chủ nghĩa phát-xít vào năm 1945 liên quan chặt chẽ với Cách mạng Tháng Mười Nga Vĩ đại, rồi Chiến thắng của quân dân Xô-viết năm 1945 và cuộc cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có sự gắn bó mật thiết không thể tách rời.
Trong cuốn tuyển thơ dịch gồm 180 bài thơ của 24 tác giả, phần lớn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh năm xưa.
Hội trường rộng ở Hà Nội, nơi tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách đầy chật mọi người đến dự, đông gần gấp đôi so với số ghế. Cuốn tuyển thơ đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn khi tiễn chân Tổng thống Nga Vladimir Putin ra máy bay ở phi trường Đà Nẵng đã trao cho nhà lãnh đạo Nga một cuốn sách mới in này.
Mặc dù lời chúc viết tiếng Nga chưa thật chuẩn, nhưng đằng sau đó, là sự trân trọng, là tình cảm kính mến của Bộ trưởng dành cho Tổng thống V. Putin và nhân dân Nga.
Một trong hai dịch giả của tập thơ là TS Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, sống và làm việc ở Matxcơva đã vài thập niên. Nhân tiện cần nói, bản dịch mới của bài thơ "Đợi anh về" của Konstantin Simonov được TS Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ không phải qua cầu tiếng Pháp như Tố Hữu, mà là qua nguyên bản tiếng Nga. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ:
"Cả cuộc đời tôi dành cho việc nghiên cứu văn học Nga, dịch những tác phẩm xuất sắc nhất sang tiếng Việt để đồng bào nước tôi có thể biết nhiều hơn, sâu hơn về người Nga. Cơ duyên tuyệt vời cho công việc yêu thích này tôi đã nhận thấy lập tức trong việc dịch tuyển tập những bài thơ thời chiến. Bởi người Việt Nam chúng tôi cũng như người Nga hiểu hơn ai hết về những nỗi nặng nề khó khăn của đời sống trong chiến tranh. Dân tộc Việt Nam và Nga phải trải qua những cuộc chiến khắc nghiệt nhất để bảo vệ tự do và độc lập của đất nước mình. Tôi biết có hơn một nghìn nhà thơ Xô-viết đã cầm súng chiến đấu chống phát-xít, và một phần ba trong số họ đã hiến dâng tính mạng để vinh danh Chiến thắng. Họ để lại cho đời một di sản đồ sộ tặng cho những đồng đội từng cùng chiến đấu và cho cả những người thuở ấy còn chưa được sinh ra. Có nghĩa là di sản tặng cho cả chúng tôi hôm nay. Tôi cố gắng dịch những bài thơ này với sự ngưỡng mộ sâu sắc nhất tưởng vọng các tác giả và thể hiện tình yêu chân thành với tất cả các cư dân của nước Nga".