Petropavlovsk-Kamchatsky là thành phố chính và cũng là trung tâm hành chính khu vực Kamchatka. Thành phố được đặt nền móng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, 20 năm sau khi tiến hành cuộc thám hiểm đầu tiên đến mảnh đất này. Cuộc thám hiểm do Vitus Bering sỹ quan Hải quân Nga — một nhà hàng hải lừng danh dẫn đầu. Ngày xây dựng khu dân cư đầu tiên mang tên 2 Tông đồ Petr và Paulo trên bán đảo Kamchatka đã trở thành ngày sinh nhật thành phố Petropavlovsk.
Hình dáng bên ngoài của thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky không mấy gây được sự chú ý. Sư hạn chế về kiến trúc nội đô do chịu ảnh hưởng bởi địa hình sườn núi, và các hoạt động địa chấn mạnh mẽ. Những rung chấn mức nhẹ dưới lòng đất mà chúng ta không cảm nhận được xảy ra liên tục. Kamchatka có dân số là 300 ngàn người. Trong khi trên bán đảo này ghi nhận được trên dưới 1 ngàn loài động vật: cừu tuyết, nai Alces, hải cẩu, cá voi sát thủ. Động vật bá chủ ở Kamchatka chính là loài gấu nâu. Những cánh rừng đầy quả mọng, những dòng sông ăm ắp cá hồi là lãnh địa của chúng. Thậm chí trong thành phố người ta còn cho dựng tượng đài gấu.
Trên bán đảo Kamchatka có khu bảo tồn sinh quyển quốc gia Kronotsky — một trong những khu bảo tồn lâu đời nhất ở Nga. Bảo tồn loài gấu nâu, với khoảng 700 cá thể loài ở đây chiếm ưu tiên hàng đầu của Kronotsky.
Hơi thở hừng hực của bán đảo Kamchatka. Câu nói này không đơn thuần là một cách biểu đạt ngôn từ đẹp, mà nó phản ảnh thực tế. Chính bởi nơi đây, trong khu bảo tồn Kronotsky có Thung lũng mạch nước phun nổi tiếng. Mạch nước phun là những dòng nước nóng ngầm trong đất, phun trào nước sôi định kỳ hoặc bốc hơi nước nóng. Hiện tượng này xảy ra như sau. Nước nóng dần lên trong các bể ngầm dưới lòng đất, áp suất nước ngày càng tăng, và cuối cùng là bắn vọt lên khỏi mặt đất, hàng triệu đài phun nước vụt phóng lên bầu trời cao. Sau đó mạch nước dần dần lắng xuống và chìm vào giấc ngủ sâu, chờ đợt phun trào tiếp theo.
Thung lũng mạch nước phun Kamchatka là một hẻm núi lửa có chiều dài 4km và bề rộng 2 km. Vào năm 2007, xảy ra một đợt phun trào bùn đá mạnh mẽ, vùi lấp nhiều mạch nước ngầm dưới hàng tấn đất. Thiên tai đã làm thay đổi diện mạo thung lũng, nhưng không làm mất đi sự độc đáo. Sau vụ lở bùn đất, trong Thung lũng hình thành một hồ lạ thường với nước màu ngọc lam sáng và nhiệt độ nước hồ luôn ở mức ổn định là +20 o C, ngay cả trong những ngày mùa đông.
Các thi sỹ ngợi ca Thung lũng mạch nước phun như một kho báu mà mẹ thiên nhiên đã đem giấu sâu vào khe núi Kamchatka. Có lẽ sẽ là một điều không thể tha thứ nếu đem cất giấu vẻ đẹp ấy, không cho phép đôi mắt chúng ta được chiêm ngưỡng. Từ năm 2010 có thể ghé thăm Thung lũng này qua mạng Internet. Truyền hình trực tiếp trên internet những hình ảnh của Thung lũng mạch nước phun là một trong những trang web thu hút nhất trên website của Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF).
Tổng số có 160 núi lửa trên bán đảo Kamchatka. Kluchevsky là một trong số 29 núi lửa đang hoạt động. Phun dung nham và tro là hiện tượng bình thường của núi lửa này. Tuy nhiên Kluchevsky tự hào với danh sách các kỷ lục ghi được. Kỷ lục gần nhất được thiết lập là trong quá trình phun trào vào năm 2005, cột tro bụi đạt độ cao 8 km. Nổi tiếng là một núi lửa có sức phun trào mạnh mẽ, Kluchevsky luôn thu hút khách du lịch mạo hiểm từ khắp các nơi trên thế giới. Thêm 1 điểm du lịch nổi tiếng của Kamchatka là miệng núi lửa Uzon với đường kính 10 km, được hình thành cách đây 40 ngàn năm trên núi lửa khổng lồ, giống như một cái vạc đang sôi. Bước trên mặt sàn lát gỗ, bất giác cảm thấy nguồn năng lượng dồi dào ẩn sâu trong lòng trái đất. Vẻ đẹp của nơi này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đối với bất kỳ ai.
Bán đảo nổi tiếng không chỉ với núi lửa và các mạch nước phun đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, mà còn bởi những con sông và hồ nước trong như pha lê. Các sông hồ nơi đây đầy ắp các loại cá hồi: cá hồi lưng gù, cá hồi đỏ, cá hồi chó. Sau khi đánh bắt, du khách quây quần bên đống lửa để thưởng thức món súp vừa được nấu bằng cá tươi.
Hành trình đến Kamchatka cho chúng ta một cơ hội thực tế để trải nghiệm sự hòa hợp với thiên nhiên. Để làm được điều này, ắt hẳn phải tách mình khỏi những tiến bộ của nền văn minh nhân loại, nghĩa là sống trong lều, nấu ăn trên đống lửa, đi bộ với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai. Và đối với những người không thích ngủ qua đêm trong lều sẽ có những chuyến tham quan trong ngày đến các danh thắng thiên nhiên.