Hiện tại phi đội trực thăng hải quân của Việt Nam chỉ gồm 8 chiếc săn ngầm Ka-28 được viện trợ từ thập niên 1980.
Đến nay sau hơn 30 năm sử dụng, số máy bay lên thẳng trên đã xuống cấp, không còn đáp ứng đủ yêu cầu của tác chiến hiện đại.
Với xu thế đa năng hóa, trực thăng hạm tàu hiện nay không chỉ chuyên làm nhiệm vụ săn ngầm nữa mà còn phải có khả năng bắn tên lửa chống hạm, tên lửa chống tăng, hay rocket để yểm trợ hỏa lực cho biên đội cũng như phục vụ tấn công mặt đất.
Tuy nhiên đáng tiếc là khi dòng Ka-27/28 vẫn chỉ có chức năng chống ngầm, Ka-29 và Ka-52 thuần cho nhiệm vụ tấn công, mẫu thử nghiệm Ka-32A7 đa dụng thì chưa đủ độ tin cậy.
Chính vì vậy mà trong năm 2015, Hải quân Việt Nam thực hiện cuộc tiếp xúc với Tập đoàn AgustaWestland để đánh giá trực thăng AW159 Wildcat.
Tuy nhiên sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thì MH-60R Seahawk lại bất ngờ nổi lên như một ứng viên hàng đầu.
MH-60R là một biến thể sửa đổi từ SH-60, nó có nguồn gốc từ chương trình "LAMPS Mark III Block II Upgrade" khởi động vào năm 1993, 2 chiếc SH-60B đã được trưng dụng để hoán cải, chúng thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ngày 22/12/1999.
Phiên bản này sau đó nhận tên định danh chính thức là MH-60R, bắt đầu phục vụ trong biên chế Hải quân cũng như Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ năm 2006.
MH-60R Seahawk có các tính năng kết hợp giữa SH-60B và SH-60F, nó được trang bị nhiều loại cảm biến tinh vi và hiện đại, đi kèm radar trinh sát AN/APS-147, thiết bị trinh sát quang điện tử, hệ thống liên kết dữ liệu và thiết bị định vị thủy âm dạng nhúng.
Nhờ những khí tài trên, trực thăng MH-60R Seahawk không những đảm nhiệm tốt vai trò chống ngầm như thiết kế với ngư lôi Mk 54 mà còn có thể triển khai cả tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire cũng như rocket có hoặc không điều khiển.
Trong tương lai với gói nâng cấp giữa vòng đời, chiếc máy bay lên thẳng này sẽ được tích hợp radar AN/APS-153 mạnh hơn loại AN/APS-147 nhiều lần, giúp triển khai được cả tên lửa chống hạm tầm ngắn.
Ngoài những ưu điểm trên, theo nhận xét thì MH-60R Seahawk còn có khả năng tiếp cận cũng như "bám"sàn đáp trực thăng của chiến hạm tốt hơn loại Ka-27/28 do Nga sản xuất. Độ bền khung thân cùng với chi phí khai thác, bảo dưỡng đều rẻ hơn hẳn.
Rào cản gần như duy nhất hiện nay có thể ảnh hưởng tới mong muốn sở hữu dòng trực thăng đa dụng tiên tiến dành cho hải quân này chỉ là đơn giá của chúng khá cao, lên tới 35 — 40 triệu USD cho mỗi chiếc.
Tuy vậy "đắt xắt ra miếng", tính năng kỹ chiến thuật của MH-60R Seahawk được đánh giá là hàng đầu thế giới trong cùng phân khúc tại thời điểm hiện tại.
Nguồn: baodatviet.vn